Chương 7
Sáng hôm sau bác sĩ Sơn Điền thức dậy, mệt nhoài và chán nản. Vợ Ông vốn là một người đàn bà giản dị và vâng lời, thế mà đêm hôm qua đã tỏ ra là một người khác hẳn. Bà đứng về phía Dục Thủy chống lại ông. Bà còn tuyên bố rằng chính ông là nguyên nhân khiến bà đứng về phía con gái. Bà nói rằng vì ông không thể lấy được người con gái Mỹ mà ông yêu khi còn trẻ và ngu dốt, thì bây giờ Dục Thủy phải lấy người sĩ quan Mỹ này.
Ông đã lý luận với bà hàng giờ, cho tới nửa đêm. “Hạ Mỹ, tôi cho bà biết tôi rất mừng số phận không cho tôi lấy người con gái Mỹ ấy. Chuyện gì sẽ xảy ra cho tôi khi họ muốn tôi vào trại tập trung? Giả dụ tôi có con với người con gái Mỹ ấy. Con tôi sẽ đi đâu? Cũng vào trại tập trung hay sao? Tôi không thể đem con cái hai dòng máu về Nhật Bản được. Bà biết ở đây người ta nghĩ thế nào về những đứa con hai dòng máu. Chúng không phải là con cái của một quốc gia nào, chỉ là những kẻ lưu đầy trên đời. Không, tôi rất vui mừng tôi đã thoát khỏi cái sự điên rồ ấy. Tôi còn phải cố gắng cứu con gái tôi nữa.”
Bà vợ lúc ấy đưa ra một lời tuyên bố không thể giải thích được. “Và tôi sẽ cứu Hòa Lang Mạc Sầu! Tôi sẽ cứu giúp một thanh niên Nhật trẻ tuổi tốt lành khỏi phải lấy một người con gái yêu một người Mỹ! Dục Thủy không thể là vợ Hòa Lang được. Tôi sẽ gặp Hòa Lang và bảo cho nó biết thế, nếu ông không chịu tự mình nói với nó.”
Ông chưa bao giờ ngờ cái người vợ lặng lẽ này, đã sống bên ông trong bao nhiêu năm trời, có thể che giấu một sự phản kháng quyết tâm như thế. Vì ông chưa bao giờ thấy bà như vậy nên ông e sợ cái quyết tâm tuyệt vọng của bà. Ông hiểu cái đặc điểm đen tối của dòng giống Nhật, sự chuyển đổi dễ dàng từ tuyệt vọng sang tự tử. Đối với một người Nhật, lúc nào cũng có một cây cầu sẵn sàng rộng mở giữa sống và chết. Người ta không do dự gì để làm cuộc hành trình ngắn ngủi ấy. Trong cái thái độ bản năng bướng bỉnh của bà, bà đã hoàn toàn hiểu lầm mục đích bộc lộ sự bí mật của ông ngày hôm quạ Bà đặt vào chuyện ấy một ý nghĩa khác hẳn của ông, một ý nghĩa cá nhân và đàn bà. Ông biết ông không thể nào thuyết phục được bà. Rất có thể bà sẽ đi gặp ông Mạc Sầu hoặc Hòa Lang, và nếu ông ngăn cấm hoặc dùng sức mạnh không cho bà đi, bà có thể tự tử để phản đối.
Vì thế buổi sáng ông rên rỉ ra khỏi giường, và nghĩ rằng hy vọng duy nhất của ông là ở con gái, và ít nhất con gái ông cũng là một người có giáo dục.
Nhưng ông không thấy Dục Thủy. Lúc đó đã quá trễ, gần đến trưa rồi, khi ông cảm thấy ông đủ khoẻ để ngồi dậy, thì nàng đã ra đi từ lúc 10 giờ sáng, theo lời Nhu Mị nói lại. Nhu Mị bưng bữa điểm tâm trễ với một sự im lặng lo lắng, vì nó biết trong nhà có sự lộn xộn. Khi ông hỏi vợ Ông đâu, vì bà đã dậy sớm, thì Nhu Mị cho biết sáng nay bà rất bận làm thêm món nước chấm. Bà Sơn Điền không chịu mua cái nước soy sauce này, thích làm lấy như hồi còn ở nông trại, có nghĩa là mua thứ đậu nành tốt nhất, và chế biến đúng cách. Mỗi khi làm món này, bà không muốn bị quấy rầy. Trong nhà này không còn sự yên nghỉ nữa, và ông quyết định vào bệnh viện làm việc.
Ông hỏi Nhu Mị khi nó tìm nón và gậy cho ông. “Cô chủ có nói đi đâu không?”
“Cô ấy nói đi tìm vài cuốn sách tại đại học.”
Đây là một lời nói dối. Dục Thủy không nói cho ai biết nàng đi đâu. Tuy nhiên trông thấy bộ mặt vàng úa của chủ nhân, Nhu Mị cảm thấy một lời nói dối thì tốt hơn. Bác sĩ Sơn Điền ra khỏi nhà, không hỏi gì thêm nữa.
Đúng lúc ấy, Dục Thủy đang nói chuyện với Hòa Lang. Đêm qua nàng ngủ rất ít, chỉ lặng lẽ nằm trong giường chờ đêm đi qua, và đến sáng thì sự quyết tâm của nàng đã rõ ràng. Nàng gặp Hòa Lang sớm bao nhiêu tốt bấy nhiêu. Trên tất cả, nàng muốn chuyện này phải làm xong trước khi nàng gặp lại chạ Nàng muốn nói, “Ba ơi, chuyện này xong rồi. Trong bất cứ hoàn cảnh nào, Hòa Lang cũng không muốn lấy con nữa. Không thể quay trở lại được nữa.”
Sau khi nàng nói với cha như thế, nàng sẽ viết thư cho James, báo cho chàng biết cùng một tin, nhưng bằng những lời lẽ khác. Nàng sẽ bảo chàng rằng nàng sẵn sàng. Chàng phải cho nàng biết sẽ tìm chàng ở đâu.
Sau khi tâm trí nàng đã rõ ràng và tinh thần bình tĩnh, thì nàng ngủ được. Khi nàng thức giấc thì hãy còn sớm, nàng tắm rửa và mặc chiếc áo lụa xanh đậm, mà nàng nghĩ sẽ làm nàng trông không hấp dẫn. Nàng chải tóc đơn sơ và không bôi son môi. Nàng ăn diểm tâm khi Nhu Mị bưng lên, và ra khỏi nhà mà không gặp cha mẹ.
Hòa Lang đã cho nàng biết giờ giấc làm việc của chàng, và chàng đến sở rất trễ, vì thế nàng bước vào một công viên, rồi ngồi chờ một lát bên một cái hồ nhỏ. Một vài bông hoa cúc đã nở trong luống hoa, và đàn cá vàng rất linh dộng dưới hồ. Trong không khí có một sự tươi mát mới. Ngồi một mình trong nơi yên tĩnh ấy, nàng có thể cảm thấy sự ngừng sinh trưởng, sự dịu bớt trong đất, sự chìm dần vào giấc ngủ. Một vài phần đời của nàng cũng đã chấm dứt, tuổi thơ ấu đầu tiên rồi tới tuổi con gái. Nàng đã chọn lựa số phận cho mình khi là một người đàn bà. Nếu tính khí nàng nhút nhát hoặc hoảng sợ, nàng sẽ sợ hãi sự cô đơn hiện nay của nàng, nhưng nàng không nhút nhát và sợ hãi. Nàng cảm thấy trong nàng một sức mạnh vô bờ, một khả năng có thể đương đầu được với bất cứ chuyện gì xảy ra. Sự không sợ hãi bẩm sinh cho nàng cái khả năng và niềm tin ấy. Nàng tin tưởng James hoàn toàn. Thế giới đang thay đổi, và cùng nhau hai người có thể đối phó được bất cứ cái gì xảy ra.
Đến gần trưa, nàng đứng dậy và bước về phía đại lộ chính của thành phố, tới một cao ốc tối tân có văn phòng của nhà Mạc Sầu. Chiếc thang máy đưa nàng lên tầng sáu, và cửa mở đưa nàng vào hãng Mạc Sầu. Một thanh niên Nhật mặc âu phục bước tới và hỏi bằng Anh ngữ:
“Cô cần gì?”
Nàng trả lời, cũng bằng Anh ngữ, “Xin cho ông Hòa Lang Mạc Sầu biết cô Sơn Điền muốn nói chuyện với ông ta vài phút.”
Nếu nàng nói bằng tiếng Nhật, chưa chắc nàng đã được dẫn vào ngaỵ Người thanh niên ấy bỏ vào bên trong, và nàng trông thấy Hoà Lang rất sạch sẽ tươi tắn trong âu phục. Chàng bước lại gần nàng với một vẻ chào mừng đầm ấm. Hai người cúi đầu chào nhau, vọ không bắt tay.
Hòa Lang nói, “Xin mời vào.”
Dục Thủy nói bằng tiếng Nhật. “Tôi sợ anh quá bận.”
Hòa Lang trả lời với một nụ cười. “Tôi không bao giờ bận cả. Tôi có cần gọi thư ký không?”
Chàng hỏi thế vì chàng sợ nàng không thích bị người ta trông thấy bước vào phòng chàng một mình.
Dục Thủy trả lời, “Xin đừng.”
Chàng dẫn nàng vào văn phòng của chàng, và để cửa hé mở.
Chàng đẩy cho nàng một chiếc ghế bành tây phương thoải mái và nói, “Xin mời cô ngồi.” Căn phòng khá rộng và đồ đạc rất nặng nề. Những bức tường trắng không treo gì cả, ngoại trừ hai bức trướng đẹp sau bàn giấy của chàng.
Chàng không ngồi vào bàn giấy. Chàng kéo một chiếc ghế như của nàng và ngồi xuống, như thể hai người ngồi trong một phòng khách, như là phòng khách nhà Mạc Sầu, tại dó có cả phòng khách theo lối Nhật và lối tây phương. Khi ngồi đối diện với chàng, Dục Thủy cảm thấy nỗi khổ tâm nàng phải tới đây cho cái mục đích tàn ác ấy. Chàng ngồi đó, một thanh niên cao lớn và tử tế, khuôn mặt trái xoan tươi cười, đôi mắt nâu ngời sáng nhìn nàng. Nàng có thể trông thấy chàng tin tưởng nàng, niềm hạnh phúc của chàng khi được quen biết nàng, và niềm tin hoàn toàn của chàng vào sự may mắn của chàng. Chàng chưa bao giờ gặp phải nghịch cảnh, bất mãn hoặc đau khổ, người con yêu quý và cũng là người thừa kế của một ông già giầu có. Nếu nàng không gặp James thì tình yêu của chàng sẽ cho chàng hạnh phúc biết bao!
Rồi nàng tự trách mình. Cuộc đời làm sao hạnh phúc được? Điểm cao nhất của đời là tình yêu. Nàng sẽ không bao giờ hiểu tình yêu là gì, nếu nàng chỉ biết và kết hôn với Hoà Lang.
Nàng nghiêng người về phía chàng, hai tay giữ chiếc xách taỵ “Hòa Lang, tôi tới dây để làm một việc lạ lùng và tàn ác. Một việc khó khăn lắm.”
Chàng ngồi yên không nhúc nhích. “Dục Thủy, cô không cần phải sợ tôi.”
Nàng nói ra lời tàn ác. “Hoà Lang, tôi không thể lấy anh được.”
Chàng nhìn nàng, vẫn không nhúc nhích, chờ đợi. Nàng nghĩ chàng sẽ đau đớn biết bao!
Nàng nói mau lẹ. “Tôi có lỗi trong vụ này. Đáng lẽ tôi không nên nhận lời anh. Đó là lỗi của tôi. Tôi biết cái tôi giấu trong tim. Nhưng tôi tưởng nó đã chết rồi. Bây giờ tình yêu ấy sống trở lại, tôi không hề ngờ như vậy, và cũng trái với ý muốn của tôi.”
Chàng nói thận trọng, và hơi khó khăn. “Xin cô nói rõ hơn nữa được không?”
Nàng nhìn chiếc xách taỵ “Mùa xuân vừa qua tôi gặp một thanh niên Mỹ. Ngay sau dó chúng tôi biết chúng tôi yêu nhau. Chúng tôi đã quyết định chúng tôi không thể yêu nhau được, và anh ta bỏ đi. Tôi nghĩ tôi có thể quên đi cái kinh nghiệm ấy, nhưng hôm qua anh ta trở lại. Anh ta cũng cảm thấy bắt buộc phải trở lại. Bây giờ chúng tôi biết chúng tôi không thể quên được. Nếu tôi giấu anh sự thực này thì quá bất công với anh.”
Chàng liếm đôi môi tái. “Cám ơn cô đã cho tôi biết.”
Nàng đợi chàng nói tiếp, và không dám nhìn chàng khi chàng ngừng lại. Nhưng dường như chàng không còn gì để nói nữa.
Cuối cùng chàng hỏi, “Cha mẹ cô cảm thấy thế nào?”
Nàng trả lời, “Cha mẹ tôi không chấp nhận, nhưng mẹ tôi cảm thấy như tôi vậy – phải làm cái tôi đang làm. Cha tôi chỉ tức giận thôi. Cha tôi không đề nghị một điều gì xây dựng. Như anh đã biết, cha tôi ghét Hoa Kỳ. Ông kinh sợ tôi có thể trở lại Hoa Kỳ.”
Chàng tư lự. “Nhưng cô yêu thích Hoa Kỳ. Tôi vẫn biết cô như thế. Tôi đã dự định có lúc tôi sẽ đưa cô đi Hoa Kỳ nghỉ lễ. Chúng tôi buôn bán với các hãng buôn Mỹ, và sẽ phát triển hơn nữa sau khi cuộc Chiếm Đóng của quân đội Mỹ chấm dứt. Tôi đã dự định chúng ta có thể ở lại California lâu dài hàng tháng.” Chàng bỗng cúi xuống, lấy hai tay che mặt.
Nàng lẩm bẩm. “Tôi xin lỗi, rất xin lỗi.”
Chàng nói sau hai bàn taỵ “Phải, chuyện này không thể làm gì được. Cô thực là đáng trọng khi tự mình cho tôi biết. Dĩ nhiên phải một thời gian tôi mới bình tâm được.”
“Tôi hy vọng anh sẽ tìm người khác,” nàng nói xong và biết câu nói của nàng thật ngớ ngẩn.
Chàng nói, “Tôi không thể nghĩ đến chuyện ấy.” Chàng buông tay ra khỏi mặt, và nàng cảm thấy dễ chịu khi thấy chàng không khóc, mặc dù chàng nhìn nàng bằng đôi mắt quá đỗi buồn bã và tràn đầy thương yêu. “Dục Thủy, có lẽ chúng ta không gặp nhau riêng nữa.”
Nàng trả lời, “Tôi nghĩ không cần nữa. Không gặp nhau nữa sẽ dễ dàng cho chúng tạ”
“Vậy thì tôi nên nói cái điều tôi muốn nói ngay bây giờ, nếu cô cho phép.”
“Đương nhiên là tôi không ngăn cấm anh điều gì cả.”
Nàng cảm thấy sự xúc động nhẹ của trái tim, và muốn ra về ngaỵ Tuy vậy nàng phải nghe điều chàng muốn nói.
Chàng nghiêng người về phía trước, khuỷu tay trên đầu gối, để nhìn nàng sâu xa hơn. “Dục Thủy, tôi không nói nhiều đâu. Chỉ có điều này — nếu có bao giờ cô cần tôi nữa, vì bất cứ lý do gì, hãy cho tôi biết. Xin đừng để lòng tự ái ngăn cản cộ”
Nàng kêu lên. “Ôi, Hòa Lang, tôi sẽ rất hạnh phúc, sẽ không cần đâu, nhưng sao anh tử tế đến thế!”
Chàng cố gắng mỉm cười. “Hãy để ngỏ con đường ấy. Đây là tất cả những gì tôi yêu cầu cộ”
Nàng đứng dậy, lo lắng muốn bỏ trốn.
“Hòa Lang, tôi xin hứa như vậy!” Đây là một chữ dùng vụng về, và nàng biết thế ngay khi nói xong. Lời hứa! Nàng đã không giữ lời hứa với chàng. Nhưng bây giờ nàng chìa tay ra, và lần đầu nàng cảm thấy bàn tay của chàng, một bàn tay to mềm và ấm áp, che kín hết hai bàn tay nàng, bàn tay của nàng nhỏ bé nhưng cứng rắn trong tay chàng.
Chàng dường như vô cùng xúc động, lệ long lanh trong mắt. Nhưng chàng mỉm cười, và nàng cúi chào, và thế là chấm dứt.
Sau khi nàng ra về rồi, Hòa Lang ngồi một lúc trong chiếc ghế bành. Chàng để cho tai họa tràn qua chàng như một cơn sóng biển lớn. Lâu lắm rồi, hồi còn nhỏ, cha chàng đã dậy chàng cách đương đầu với biển cả. Lúc đó gia đình Mạc Sầu có một ngôi nhà bên bờ biển, và về mùa hạ chàng suốt ngày tắm biển. Chàng học bơi rất sớm, nhưng chính cha chàng đã dậy chàng cách bơi mà không bị mất sức.
Ông Mạc Sầu bảo chàng, “Con không thể vượt được biển cả. Biển cả là trường cửu như cõi vĩnh hằng, và không thay đổi được, như định mệnh vậy. So sánh với biển cả, con người nhỏ bé hơn một con cá nhỏ nữa. Đừng chống lại biển cả. Đừng bơi ngược sóng biển. Con phải bơi theo sóng biển, và con sẽ được nâng lên, chính biển cả sẽ nâng đỡ con lên.”
Bây giờ chàng nhớ lại những lời dậy ấy. Chàng bị tràn ngập bởi những gì chàng vừa nghe xong. Chàng đã hết lòng tin tưởng tình yêu của chàng đối với Dục Thủy. Chàng chưa bao giờ yêu một người con gái nào khác. Giống như phần đông đàn ông đi tới những chốn ăn chơi, tham dự những bữa tiệc đàn ông mời nhau, cười đùa với những nàng ca kỹ xinh đẹp và nghe tiếng đàn hát quyến rũ của họ. Nhưng chàng không bao giờ ước muốn một người đàn bà nào làm vợ, ngoại trừ Dục Thủy. Bây giờ nàng sẽ không bao giờ là vợ chàng nữa. Ý tưởng ấy quá độc ác đến nỗi trong một lúc chàng cảm thấy choáng váng, như thể cát bị hút đi dưới chân chàng, như thể sóng biển đang xô đập trên đầu chàng. Chàng nhắm mắt lại và ngửa người xuống nệm của chiếc ghế bành và nằm im chịu trận, để mặc nỗi đau đớn quay cuồng bên trong chàng. Đành phải như thế thôi!
Sau gần một giờ, chàng mở mắt rồi đứng dậy và rót một chén trà nóng từ cái ấm trà bên cạnh bàn giấy. Chàng chậm chạp nhấp trà, cảm thấy lạnh lẽo và mệt mỏi, như thể chàng đang bơi ngoài biển. Chàng không dễ dàng phục hồi khỏi được sự lạnh lẽo này.
Tuy nhiên một nửa giờ sau nữa, chàng bấm chuông. Thư ký của chàng bước vào và chàng bắt đầu đọc những thư tín buổi sáng, và nghĩ ngay chiều nay khi về nhà, chàng sẽ cho cha biết chuyện này. Tổ chức hôn lễ phải đình chỉ ngaỵ Thiệp mời phải được thông báo rút lại. Đã quá trễ để trả lại tiệm nữ trang những quà cưới chàng mua cho Dục Thủy, một cặp hồng ngọc, những ngọc trai đích thực mò được tại vùng biển bên ngoài Ấn Độ.
° ° °
Dục Thủy nói, “Con đã bảo cho Hòa Lang biết rồi.”
Bác sĩ Sơn Điền mãi tới nửa đêm mới trở về, nhưng nàng vẫn đợi. Mẹ nàng đã biết. Quần áo cưới được cất đi, và sẽ không bao giờ cần tới nữa. Dục Thủy không biết mẹ cảm nghĩ thế nào. Bà cẩn thận gấp quần áo cưới lại, không cho phép Dục Thủy đụng vào; những món quý giá cất trong chiếc tủ bằng gỗ long não trong phòng chứa đồ. Suốt một buổi tối, hai người lo công việc này, và mẹ nàng không hỏi nàng một câu nào, ngay cả câu trả lời của Hòa Lang. Bà không nói gì cả.
Khi nàng yêu cầu cha cho nàng nói chuyện, ông nói, “Đã khuya quá rồi.”
Dục Thủy tuyên bố, “Con không ngủ được cho đến khi con kể cho ba biết chuyện con đã làm.”
Vì thế cố che giấu nỗi thất vọng và mệt mỏi, ông ngồi xuống, trong khi nàng vẫn đứng, và kể cho ông nghe nàng đã quyết tâm lấy chàng thanh niên Mỹ.
Ông nói, “Ba không biết phải nói thế nào với người bạn của ba, ông Thạch Sĩ Mạc Sầu. Và ông ta cũng không biết nói thế nào với Hòa Lang.”
Thế là nàng nói Hòa Lang đã biết rồi, bởi vì chính nàng đã nói với chàng.
Cha nàng hỏi, ngỡ ngàng không tin, “Con nói với nó? Sao con có thể bạo dạn như thế? Con đã quá thay đổi rồi!”
Nàng gục đầu xuống và nói, “Hòa Lang là người quá tốt đến nỗi con có thể nói với anh tạ”
“Nó quá tốt – nó quá tốt!” cha nàng nhắc lại. “Nhưng hình như nó chưa đủ tốt để con lấy nó.”
Dục Thủy can đảm nói, “Anh ta đủ tốt. Điều giản dị là con yêu một người khác và Hòa Lang hiểu chuyện này.”
Cha nàng tuyên bố, “Điều đó cũng không xóa bỏ được nhục nhã.”
Ông ngồi, lông mày nhíu lại, u sầu nhưng không mệt mỏi như Dục Thủy có thể thấy. Bộ mặt đẹp đẽ của ông tái xanh như sáp, và đôi mắt to lõm xuống. Rồi ông vỗ tay thật to ba lần.
“Người Mỹ này không thể lấy con được.”
Dục Thủy kêu lên. “Anh ta nhất định sẽ lấy con!”
Cha nàng hỏi, “Làm thế nào nó lấy con được? Tại Hoa Kỳ bao giờ hôn nhân cũng cử hành tại nhà thờ. Một hôn lễ hành chánh không đủ. Và làm thế nào đãi khách? Ai sẽ là nhân chứng? Nhân chứng rất cần thiết theo quan điểm Mỹ.”
Dục Thủy nói, “Con không muốn đãi khách. Tôn giáo của ba là gì, thưa ba?
Chúng ta làm gì có nhà thờ.”
Ông tuyên bố, “Ba là một Phật tử. Người Mỹ có Chúa và tu sĩ của họ, và chúng ta có Thần Phật và thày tu của chúng tạ Nghi lễ phải cử hành tại chùa, trước sự hiện diện của thần thánh và tu sĩ.”
“Con chắc chàng sẽ chấp nhận nghi lễ này. Chàng sẽ làm bất cứ cái gì ba đòi hỏi.”
Cha nàng chua chát nói, “Ngoại trừ việc để lại con trong nhà của bạ Điều ấy hắn sẽ không làm. Nó đã lẻn vào nhà của ba và lấy đi kho tàng của ba, và hắn sẽ không trả lại. Ba còn đòi hỏi hắn cái gì nữa?”
Đầu nàng rũ xuống. Tuy thế ông không nhìn thấy một dấu hiệu đầu hàng ở mặt nàng. Cái môi dưới mọng đỏ kia không run rẩy. Ông bỗng đầu hàng và dùng tay gạt nàng ra, một cử chỉ giống như một cú đánh. Ông cọc cằn nói, “Hãy làm theo ý thích. Hãy đi Hoa Kỳ. Nhưng khi nó tống cổ con ra đường, đừng bao giờ trở lại với ba nữa.”
Nàng ngẩng đầu lên, cũng kiêu hãnh và tức giận như ông bố. “Con sẽ không bao giờ trở lại với ba, điều này con có thể hứa – thưa ba!”
° ° °
Tại Đông Kinh, James đang nói chuyện với ông đại tá. Hai người ngồi một mình trong văn phòng của ông đại tá. Từng chồng giấy chất đống trên bàn và viên đại tá thỉnh thoảng bí mật liếc nhìn chồng giấy ấy. Trong trí tưởng tượng của ông, chồng giấy ấy mỗi lúc một nặng hơn, chồng chất mỗi lúc một cao hơn, trong lúc ông ngồi nghe James Peterson nói.
Viên đại tá miễn cưỡng mỉm cười. “Dĩ nhiên đây là chuyện cá nhân của anh. Tuy vậy tôi rất thán phục con người anh. Ở anh có một cái gì nhiều hơn cái trí óc quân nhân thông thường. Cái trí óc quân nhân thì rất tốt, nhưng những người xuất chúng là những người có một cái gì hơn là chỉ có trí óc của một quân nhân. Nếu anh muốn, anh có thể tiến cao hơn nữa, có thể cao tới năm sao – theo ý tôi. Dĩ nhiên anh sẽ không có cơ hội ấy nếu anh có một người vợ Nhật. Người vợ rất quan trọng nếu anh muốn tiến lên trong binh nghiệp.”
James Peterson nói, “Tôi biết đại tá nói đúng.” Monica chẳng hạn sẽ là một người vợ hoàn hảo, đẹp đẽ theo cách người tóc vàng, khéo léo, thân thiện, tâm hồn đơn giản mà không ngu dốt. Nhưng chàng không yêu Monica.
Viên đại tá nhấn mạnh. “Anh không thu xếp được hôn lễ, phải không? Người Nhật không nhìn sự việc như chúng tạ Đàn ông ở đây phải lo nhiều thủ tục cưới xin. Người con gái không mong đợi người Mỹ lấy họ. Đàn ông Nhật có thể lấy vợ địa vị rất cao mà không nghĩ đến tình yêu. Tình yêu là một việc khác.”
Viên đại tá là một người có học cao. Ông biết tình dục sẽ được thỏa mãn bằng nhiều cách. Cái bộ mặt nhạy cảm và đẹp trai trước mặt ông có đôi mắt xanh quả quyết, bộc lộ một bản chất phức tạp hơn là một người lính ngoài đường phố. Lòng khao khát tình dục có thể bùng cháy trong con người này, nhưng có thể chỉ thỏa mãn bởi óc tưởng tượng lãng mạn. Đó không phải là nhu cầu của một con bò mộng, nhưng nó là một nhu cầu rõ ràng, mặc dù vướng mắc trong trí óc và tâm hồn, và vô cùng khó thỏa mãn.
James miễn cưỡng nói, “Tôi nghĩ nếu tôi là người phải thu xếp hôn lễ thì tốt hơn. Nhưng tiếc thay tôi – không – ”
Viên đại tá gật đầu. “Phải, người ta không giống nhau. Cho tôi vài ngày để suy nghĩ.”
James vội đứng dậy, hiểu rằng viên đại tá không muốn tiếp tục nữa. “Tôi có thể – ”
Viên đại tá gật đầu. “Tôi sẽ liên lạc với anh sau khi tôi quyết định.” Ông ta đang lục chồng giấy trước mặt.
James giữ vững lập trường. “Thưa đại tá, còn một điều nữa. Chúng tôi đã quyết định rồi. Không phải là vấn đề tôi sẽ lấy hay sẽ không lấy cô tạ Câu hỏi là chúng tôi phải làm thế nào và làm gì. Tóm lại, một người Mỹ phải làm gì khi muốn lấy một người vợ Nhật thuộc một gia đình danh giá? Đây là tất cả những gì tôi nhờ đại tá.”
Viên đại tá trợn mắt nhìn chàng. “Hãy để đấy cho tôi, Peterson. Tôi không thể thấy một sĩ quan xuất sắc nhất của tôi làm một việc như thế mà không suy nghĩ. Lúc này tôi không thể nghĩ được – hãy nhìn đống giấy tờ này!” Ông chỉ tay vào chồng giấy.
“Thưa đại tá vâng ạ.” James nói và bước đi.
Thực ra viên đại tá chỉ muốn về nhà bàn với vợ, nhưng một người độc thân không thể biết thế. Ngay khi James bước ra khỏi phòng, viên đại tá không còn giả bộ bận rộn nữa. Ông hút vài điếu thuốc trong khi ông suy nghĩ cân nhắc, rồi gọi điện thoại cho vợ. Bà vợ cho biết bà ta không bận gì cả.
Ông dò hỏi, “Anh tưởng em chơi bài tối nay?”
Bà vợ nhắc nhở chồng, “Tối mai chứ.”
“ồ vậy thì anh sẽ về ăn trưa với em. Anh gặp một chuyện khó nghĩ.”
Ông rời văn phòng. Không khí thực là trong sáng và đã có những người bán hoa cúc đầu mùa trên đường phố. Ông chưa bao giờ thấy hoa nở nhiều như vậy, những bông hoa to hơn cả những trái banh màu vàng mà ông thường mua cho vợ trong những trận túc cầu tại quê nhà. Vợ Ông là một bà vợ sĩ quan thành công, bao giờ cũng biết đúng việc phải làm, đối xử tử tế với vợ các sĩ quan thuộc cấp của ông, và tôn trọng các bà vợ cấp trên. Bà có một tinh thần hài hước, nhưng cũng không quá đáng. Bà trân trọng đời sống quân ngũ, vì chồng là một đại tá.
Bà đang vui vẻ đợi ông ở nhà, mặc một bộ đồ len màu hạt dẻ trông ấm áp nhưng không quá nặng nề. Bà là một phụ nữ tóc nâu và mắt nâu. Ông thường nghi ngờ bà nhuộm tóc để che giấu những sợi tóc xám đi, nhưng ông không hề tò mò vào những bí mật của bà. Bà hiểu đàn ông. Tuy nhiên khi trang điểm bà không muốn có ai ở bên cạnh, và ông biết ông không được phép nhìn bà chau chuốt.
Ông mỉm cười với bà. “Em trông đẹp quá. Quần áo mới phải không?”
“Trời ơi, không phải đâu – ít nhất mười năm rồi. Anh không nhớ em mua ở Luân Đôn khi anh đóng ở đó hay sao?”
“Anh không bao giờ biết em mua những gì. Cơm trưa sẵn sàng chưa?”
“Em đã pha sẵn cocktails, sợ anh cần đến.”
“Tốt lắm.”
Ngồi bên những ly cocktails trong cái phòng khách lớn và nắng ấm này, trước kia thuộc về một triệu phú Nhật Bản, ông kể cho bà nghe cái tin không vui.
“Peterson mắc kẹt với một cô gái Nhật Bản thuộc gia đình khá giả. Hắn muốn lấy cô tạ”
“Trời ơi!” Bà vợ kêu lên có vẻ trách chồng không ngăn cản được vụ này.
“Anh biết thế, nhưng chúng ta có thể làm gì? Anh sẽ bảo hắn tất cả những gì em nghĩ.”
“Hắn lấy không chính thức được không?”
“Anh đã đề nghị như vậy.”
“Rồi sao?”
Viên đại tá uống cocktails rồi dùng khăn giấy lau ria mép. Ông thận trọng nói, “Không phải Peterson là một người thiếu nghiêm chỉnh. Anh không nghĩ đây là một vấn đề luân lý.”
Bà vợ hỏi, “Thế thì là cái gì?”
“Hắn được giáo dục quá đáng. Em biết anh muốn nói gì không? Hắn là người không thể lấy một người đàn bà rồi bỏ. Loại đàn bà có thễ bỏ được không lôi cuốn hắn. Chỉ đàn bà phải được đối xử tử tế mới lôi cuốn được hắn.”
“ồ, hắn là loại người lãng mạn.”
“Có thể. Em gọi là gì cũng được. Nhưng anh đã thấy có người không chịu làm tình, trừ phi có tính chất lãng mạn. Điều ấy có vẻ khó chịu đấy. Không thực tế. Loại người này phiền lắm. Anh thích những người chịu đứng sắp hàng, bỏ ra vài đồng đô la rồi trở về làm việc.”
Bà là người dễ tính. Người ta có thể nói những chuyện ấy và bà không quan tâm. Bà hiểu người ta muốn nói gì. Bà biết rằng đàn ông đều như nhau, và vì thế bà không yêu ai cả.
Bà cảnh cáo chồng khi ông ta rót thêm một ly rượu nữa. “Đừng uống hai lỵ Anh biết rượu sẽ phản ứng thế nào với anh vào buổi trưa.”
Ông buồn rầu nói, “Biết rồi.”
Bà nói, “Em đang suy nghĩ.” Bà uống rất ít, nhưng không bao giờ từ chối uống với chồng. Bao giờ bà cũng sẵn sàng, nhưng không quá hào hứng.
Vài phút sau bà nói, “Em sẽ cho anh biết. Tại sao anh không bắt hắn nghỉ phép?”
“Bây giờ? Khi mà cuộc chiến tại Hàn Quốc có thể xảy rả”
“Hãy cho hắn về quê nhà. Đưa hắn trở lại không khí gia đình. Hắn sống tại Virginia, phải không? Anh còn nhớ tấm ảnh hắn đưa chúng ta xem về căn nhà lớn màu trắng có những cây cột trụ không? Gửi hắn về nhà gấp. Phảl làm ngay đi. Hắn sẽ tìm một cô gái tại quê nhà không làm hắn quên. Em đoán đây chỉ là một trường hợp tiết dục, chứ không phải lương tâm!”
Đôi mắt nâu của bà nhấp nháy với ông, và cả hai cùng cười. Thỉnh thoảng họ thích nói một câu khôi hài tục tĩu, trong khi biết nhau rất đàng hoàng.
“Em thật là thông minh.” Người ông ấm lên vì rượu, cùng với ánh nắng mặt trời trong căn phòng lớn, với những tiện nghi, an toàn và địa vị cao của ông. Ông chìa tay ra, kéo bà lại với ông, và mạnh mẽ hôn bà. Ông thì thầm trên đôi môi ưng thuận của bà, “Người đàn bà thông minh nhất đời.”
° ° °
Hòa Lang không về nhà sớm, tuy chàng vô cùng mệt mỏi. Chàng có một cơ thể to lớn và mềm mại, nhưng chàng là một người mạnh mẽ, không bao giờ mệt mỏi về thể xác, nhưng lại dễ mệt mỏi trong tâm hồn. Nếu chàng theo một tôn giáo thì đây là cái vẻ hạnh phúc và hài lòng phải được duy trì bằng mọi giá. Chàng coi đây như bổn phận hiếu thảo, vì chàng là người con cuối cùng của cha mẹ. Chàng khâm phục thân phụ hơn bất cứ người nào khác, biết rằng thân phụ đã hy sinh vì nguyên tắc của ông. Như vậy thân phụ chàng, hầu như là người duy nhất trong những ông vua thương mại Nhật Bản, đã tuyên bố chính sách của phe quân nhân kiểm soát chính phủ là một sai lầm.
Thạch Sĩ Mạc Sầu đã tuyên bố khi được gọi ra trước ủy ban Quốc Hội, “Chúng ta không thể giữ vững một đế quốc bằng vũ lực.”
Một viên tướng trả lời, “Anh Quốc đã làm như vậy.”
Mạc Sầu nhắc nhở ông tướng, “Nhưng thời đại đã thay đổi. Ấn Độ ba trăm năm trước không thể coi là thí dụ cho Trung Hoa ngày naỵ Người Trung Hoa không tha thứ sự áp bức của Nhật Bản. Họ chưa bao giờ là một quốc gia bị trị.”
Viên tướng nhấn mạnh, “Nếu chúng ta không tiếp tục chính sách của chúng ta xây dựng một đế quốc, thì chúng ta sẽ rơi vào cảnh thưộc địa. Đừng nghĩ Tây phương đã bỏ cái ý tưởng đế quốc. Hoa Kỳ hiện nay đang vươn lên quyền lực. Người Mỹ mơ ước một đế quốc.”
Ông Mạc Sầu bướng bỉnh nói, “Họ chỉ mơ ước buôn bán.”
Viên tướng cãi lại, “Buôn bán! Một đế quốc bắt đầu bằng buôn bán. Người Anh tới Ấn Độ để buôn bán, nhưng cuối cùng là một đế quốc trong ba trăm năm. Nếu chúng ta không chiếm Á Châu, người Mỹ sẽ chiếm.”
Ông Mạc Sầu dịu dàng nói, “Thưa ngài xin nhớ rằng ngày nay còn Nga sô nữa. Nga sô còn đáng sợ hơn Hoa Kỳ.”
Viên tướng trả lời to tiếng đến nỗi lời nói vang lên khắp phòng. “Chúng ta sẽ lần lượt giải quyết từng nước một.”
Thạch Sĩ Mạc Sầu ra về và không mất mặt. Ông quá giầu và gia đình ông rất có danh giá. Nhưng ông quyết định về hưu. Nguồn lợi của nhà Mạc Sầu tạm bỏ quên, mãi cho tới khi quân Mỹ chiếm đóng, mới bắt đầu xây dựng lại. Trong khi đó người anh cả của Hoà Lang tử trận và người anh thứ hai bị mất tích tại Nga sộ Hiểu biết nỗi đau đớn vô cùng của cha mẹ, chàng cố gắng mọi cách để an ủi cha mẹ, và chàng khám phá ra rằng cách hay nhất là lúc nào cũng tỏ ra hạnh phúc trước mặt cha mẹ. Do đó chàng không bao giờ bộc lộ cho cha mẹ biết bất cứ một sự bất mãn nào, và sự tự kỷ cương quyết này giúp chàng trở nên một người trầm tĩnh khôn ngoan.
Theo thói quen của chàng, ý nghĩ đầu tiên trên đường về nhà là cha chàng, và chàng sẽ trình bầy nỗi đau của chàng một cách hay nhất để bảo đảm rằng chàng không quá đau đớn. Mẹ chàng sẽ cảm thấy như cha chàng. Bà là một người vợ Nhật cổ điển, từ lâu đã hoàn toàn tùng phục đến nỗi bây giờ bà chỉ là cái bóng của chồng, chứ không phải là một thực thể chủ yếu.
Buổi tối trong sáng mát mẻ, và đường phố đầy những người bán hoa cúc. Chàng chăm chú nhìn để xem có loại hoa nào mà cha chàng không có. Cuối cùng chàng trông thấy một loại hồng ngọc rất lợt, cành hoa ôm quanh một đài hoa mầu vàng. Chàng dừng lại và mua chậu hoa ấy, và sai gói vào một tờ báo cũ. Rồi chàng thận trọng mang chậu hoa đi nốt một quãng ngắn tới nhà. Trước thời gian quân Mỹ chiếm đóng, không ai nghĩ đến bưng một chậu hoa như vậy, nhưng bây giờ làm thế được coi là dân chủ. Chàng thích sự tiện lợi của tự do.
Chàng nghĩ tốt nhất là biếu cha chậu hoa cúc trước, coi như là một sự mở đầu, sau đó chàng sẽ tiếp tới cái tin độc ác. Chàng sẽ để cái giây phút ấy tự xảy ra. Chàng hy vọng sớm bộc lộ cái tin ấy, bởi vì chàng sẽ dễ dàng tự kiềm chế nếu cha chàng biết, bởi vì chàng bắt buộc phải bảo đảm cho cha biết rằng chuyện này không quan trọng đối với chàng, và chàng sẽ không muốn kết hôn với một người đàn bà nào bất đắc dĩ phải làm vợ chàng.
Như thường lệ vào buổi tối, cha chàng đang đi dạo ngoài vườn. Giống như những yêu vườn cảnh, ông có thể hưởng sự hoàn toàn của khu vườn, bởi vì đôi mắt quá sốt sắng của ông bao giờ cũng trông thấy sự bất toàn, quá nhỏ bé khi người ta không nhìn thấy.
Bây giờ Hoà Lang trông thấy cha giữa những luống hoa cúc, môi ông cong lên khi ông đứng bên những bụi hoa rực rõ màu đỏ và vàng.
Cha chàng kêu lên, “Hòa Lang! Ta nghĩ những hoa này không đẹp bằng năm ngoái!”
Hòa Lang cúi đầu. Chàng nói, “Nhưng trước hết thưa ba, ba đã có loại hoa này chưa? Con nghĩ ba chưa có.”
Ông Mạc Sầu hăng hái chìa tay ra. Chính hai bàn tay chìa ra này làm Hoà Lang giật mình. Hai bàn tay quá gầy, chỉ còn da bọc xương. Không ngờ cha chàng gầy đến thế này! Chàng chăm chú nhìn bộ mặt thân yêu và cũng thấy một bộ mặt gầy. Như thường lệ, ông Mạc Sầu mặc y phục Nhật Bản. Hòa Lang có thể trông thấy những hốc xương của xương cổ, hai thái dương lõm xuống. Chàng cao hơn cha, vai rộng hơn và thân thể mạnh mẽ, và bây giờ chàng cúi xuống người ông bố già nuạ Chàng cố cười.
“Ba chưa có loại này, phải không? Như vậy con đã tìm cho ba một loại hoa cúc mới!”
Bộ mặt nâu khô héo của ông bố nhăn nheo. “Ba không nghĩ có thể tìm được. Các loại hoa cúc của nhà Mạc Sầu đã rất nổi tiếng.”
Hai người cùng cúi xuống luống hoa mới, mê mẩn trước vẻ đẹp mong manh của hoa.
Ông Mạc Sầu lo lắng hỏi, “Bây giờ để hoa này ở đâu? Nhất định là không thể để bên loại hoa đỏ và vàng. Mẹ con sẽ thích loại hoa mới này. Trông giống mẹ con. Ba sẽ đặt hoa tại nơi mẹ con có thể trông thấy từ cửa sổ.”
Ông thận trọng đặt chậu hoa vào một chỗ, rồi hai tay lau vào nhau cho sạch đất bụi. Quang cảnh thực là thú vị, không khí thoải mái đến nỗi Hoà Lang vội nắm lấy cơ hội.
“Thưa ba, con rất vui tìm dược loại cúc này cho bạ Nó làm con dễ dàng kể cho ba nghe một chuyện khác không vui. Hôn nhân của con phải hủy bỏ.”
Ông Mạc Sầu quay lại con trai. “Chuyện gì thế này?”
Hòa Lang bình tĩnh nói, “Cô Sơn Điền quyết định không muốn lấy con.”
Ông Mạc Sầu chớp mắt; ông không thể nói được trong một lúc. Hòa Lang lợi dụng cú xốc của thân phụ. Chàng dịu dàng nói, “Ba chắc không đau buồn vì chuyện này. Từ lâu con đã cảm thấy cuộc hôn nhân này không thể thành tựu được. Con nghĩ bác sĩ Sơn Điền đã quá thúc đẩy con gái vì lòng quý mến bạ Ba biết ông ta rất ngưỡng mộ bạ Ông ta sẽ đau đớn lắm về vụ này. Chúng ta phải nghĩ cách giúp ông ta vượt qua được. Cô Sơn Điền quả thực rất tốt, đã cho con biết đúng lúc.”
Ông Mạc Sầu lắp bắp hỏi, “Chính nó nói với con?”
Hòa Lang thanh thản nói, “Vâng. Ba biết đấy, cô ta như người Mỹ. Cô ta đến văn phòng con và giải thích cảm nghĩ của cô tạ Cô ta thích lấy một người Mỹ hơn con.”
Ông Mạc Sầu hỏi, “Có người Mỹ nào không?”
“Hình như có một người. Vì thế trong trường hợp này, con tin chắc đây là cách hay nhất.”
Ông Mạc Sầu bây giờ đã lấy lại được bình tĩnh, đủ để tức giận. “Đây quả thực là cách hay nhất! Một thiếu nữ như cô ta không bao giờ thích hợp cho một gia đình cổ của chúng tạ Nhưng, còn con thì sao?”
Hòa Lang mỉm cười. “Ba thấy con đây. Con rất hạnh phúc.”
Ông Mạc Sầu đưa hai tay ra nắm lấy cánh tay con trai. Cánh tay con trai ông rất bảo đảm. rất mạnh mẽ, nhưng mềm mại bên trong tay áo. “Con ơi, quả thực khó chịu cho con khi cô ta mặt đối mặt với con về chuyện này.”
Hòa Lang khẽ nói, “Không đâu. Con thích sự thành thực của cô tạ Đó là một cái gì mới. Cô ta là một thiếu nữ thông minh. Con nghĩ cô ta sẽ có hạnh phúc ở Hoa Kỳ hơn là ở đây. Dẫu sao cô ta cũng đã sống mười lăm năm tại California. Con nghĩ cô ta sẽ không bao giờ hoàn toàn là người Nhật. Chúng ta chỉ nên lo cho ba cô ta thôi. Ông ta là một người tuyệt vời, và con nghĩ ông ta sẽ đau đớn lắm, bởi vì ông ta đã mất tổ quốc của ông ta, và ông ta sẽ không thể sống cuộc đời trong một quốc gia khác.”
Hai cha con khoác tay nhau, thong thả bước vào nhà.
Ông Mạc Sầu thì thầm, “Làm sao bảo cho mẹ con biết bây giờ.”
Hòa Lang đề nghị, “Chúng ta đừng cho mẹ biết ngaỵ Chúng ta hãy ăn cơm tối như thường lệ. Rồi tối nay có lẽ ba kể riêng cho mẹ biết, khi ba mẹ lui về phòng ngủ. Ngày mai chúng ta sẽ quyết định cách gặp mặt bác sĩ Sơn Điền. Có lẽ không nên gặp ngaỵ Ông ta cần phải có đủ thời giờ để lấy lại bình tĩnh và có một tâm trạng đúng. Chúng ta hãy chờ đợi cái tâm trạng này, để chúng ta có thể gặp nhau một cách thích hợp.”
Ông Mạc Sầu tựa người vào cánh tay Hòa Lang. “Ba chỉ lo cho con thôi. Chừng nào con không bị thương tổn thì… ”
“Con không bị thương tổn gì hết.” Chàng mỉm cười nhìn xuống khuôn mặt của ông bố đang ngẩng lên.
Đôi mắt nâu của chàng trong sáng và cái giọng nói dịu dàng trầm vang của chàng bảo đảm đến nỗi ông Mạc Sầu tin chàng.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Cảm ơn bạn đã nhận xét !