Chương 11
Tại phi trường San Francisco, James trông thấy Dục Thủy bước xuống và ngập ngừng một giây lát, nhìn bên này bên kia để tìm chàng. Chàng xông qua đám đông, xấu hổ chàng đã tới trễ, xấu hổ sáng nay chàng đã ngủ quá giấc.
Chàng gọi, “Dục Thủy!”
Nàng trông thấy chàng và mắt nàng thay đổi với một nụ cười. Đây là lần đầu tiên nỗi lo lắng hiện trên khuôn mặt mà chàng đã nhớ rất kỹ; chàng cảm thấy một sự bất mãn nhẹ nhàng nhưng sâu sắc. Nàng không đẹp như chàng vẫn nhớ nàng, hoặc có phải tại bộ quần áo màu xám nàng đang mặc? Nhưng nụ cười dè dặt, quá quyến rũ đã làm nàng đáng mê trở lại. Nàng đáng yêu là nhờ nụ cười và cái vẻ duyên dáng hơi nhút nhát. Nàng đi lại phía chàng. Chàng ôm nàng trong cánh tay, an tâm giữa những kẻ xa lạ chung quanh. Nhưng chàng cảm thấy ngay những cái nhìn tò mò của những người chung quanh khi thấy một người Mỹ cao lớn đang ôm một cô gái Nhật. Không ai nói gì cả, và tất cả lo công việc của mình, cũng vội vàng không thể đánh mất một giây cho sự tò mò. Chàng dẫn nàng đi theo trong vòng tay của chàng, không thèm để ý những con mắt người lạ. Nhưng nàng quá biết cái nhìn ngạc nhiên chung quanh và nàng duyên dáng lùi lại, tuy vẫn để chàng nắm tay.
James nói, “Chúng ta đi thẳng tới khách sạn. Anh đã thuê một phòng lớn tại đó rồi. Chúng ta sẽ ở lại vài ngày. Darling, không cần gì phải vội. Anh cần thời gian sống bên em. Và chúng ta sẽ dùng nhiều thời giờ trên đường trở về nhà.”
Vào lúc đó hai người biết phải làm gì. Chàng kể cho nàng nghe đúng mọi thứ ở nhà. Nghĩa là, chàng sẽ kể cho nàng tất cả những gì chàng biết, nhưng chàng hầu như chẳng biết gì, tuy chàng cảm thấy rất nhiều. Nhưng làm thế nào mẹ chàng có thể không công nhận Dục Thủy khi nàng đứng trước cửa nhà chàng? Và chàng cũng đứng đó cùng với nàng.
Chàng gạt ra ngoài nỗi ưu tư này. Trong mấy tuần lễ sắp tới, hai người sẽ sống riêng với nhau. Chàng ao ước Monica đừng lựa chọn sống mùa này tại New York. Monica có thể là một trợ giúp đáng quý. Nhưng chàng có cần ai giúp không?
“Darling, em im lặng quá.”
“Có quá nhiều thứ để em nhìn.”
Chàng có xe hơi ở đây, và hai người bước lên xe.
“Xe của anh, hả James?”
“Darling, xe của chúng tạ Tất cả những gì của anh là của em.”
Nàng mỉm cười và chàng thò tay nắm lấy tay nàng.
Nàng nói sau một lúc im lặng. “Anh nên lái xe cẩn thận.”
Chàng cười vang. “Dục Thủy, đây là Hoa Kỳ. Em đã quên nước Mỹ rồi sao?”
Nhưng chàng lái thong thả, vì như thế chàng có thể mân mê bàn tay ngà ngọc của nàng với chiếc nhẫn cưới, chiếc nhẫn mà chàng đeo vào tay nàng trong hôn lễ tại ngôi chùa. Đêm ấy, khi hai người ở một mình trong căn phòng rất dẹp trong căn nhà bây giờ xa cách cả hai người, chàng tháo chiếc nhẫn ra và rồi lại đeo vào. Rồi chàng nhắc lại cái lời thiêng liêng, “Với chiếc nhẫn này, ta làm hôn lễ cho người.”
Lúc ấy nàng không hiểu lắm. Nhưng bây giờ nàng hiểu.
Hai người về tới khách sạn, nàng vẫn còn im lặng mà chàng đoán là nàng bỡ ngỡ. Chàng đưa những túi hành lý của nàng cho người bồi khách sạn, rồi hai người bước vào thang máy để lên tầng thứ mười một, tại đó cửa sổ trông ra đại dương. Chàng cho tiền người bồi và khóa cửa lại. Chàng lấy cái nón nhỏ của nàng ra, rồi cởi áo choàng cho nàng, và ôm nàng trong hai cánh tay mạnh mẽ. Ôi, cái mùi da thịt của nàng, đường nét thanh tú của cổ nàng, sự ấn mạnh đôi vú nhỏ của nàng vào người chàng! Chàng không chờ đợi được nữa. Và tại sao phải chờ đợi? Chàng thấy mắt nàng quá đen, quá long lanh, và miệng quá ngọt ngào. Nàng biết, nàng hiểu nhu cầu của chàng. Nàng là căn bản của tất cả những gì là đàn bà, một người đàn bà Á đông, trực giác về những ham muốn của người đàn ông.
“Em vẫn còn yêu anh?” Chàng quá đòi hỏi, để cuối cùng bật ra câu hỏi này.
“Em rất yêu anh,” nàng trả lời, không phải là một lời thì thầm, nhưng bằng một giọng đáng yêu trong trẻo. “Em phải đi xa như thế này là vì tình yêu đối với anh, James biết không?”
° ° °
Khi nào cái đời sống của đứa con bắt đầu? Hai người không biết vào lúc nào trong cái rực rỡ của ban ngày, hay là trong bóng tối của ban đêm, cái linh hồn ấy bước ra từ cõi vĩnh hằng trước khi sinh ra đời. Có thể là ở trong căn phòng đầu tiên có bình phong bây giờ đã ở bên kia đại dương, hoặc là ở trong căn phòng trên cao hướng về phía tây trong khách sạn, có thể là ở trong một túp lều trên núi, nơi họ sống với nhau vài ngày, bắt đắc dĩ phải rời bỏ những đỉnh núi tuyết, có phải trong một khách sạn nhỏ trong một thành phố nhỏ trên cánh đồng vô tận, hoặc là những ngọn đồi trùng điệp của miền Trung Tây? Họ không biết. Một lúc nào đó trong những tháng vàng son, tại một nơi nào đó trong cái chuỗi ngày đêm ân ái, đứa con bắt đầu hoài thai, nhưng hai người không biết. Hai người không nghĩ đến đứa con, mà chỉ nghĩ đến chính mình.
Dục Thủy nói, “Chúng ta phải báo cho cha mẹ anh đúng ngày giờ chúng ta về tới.” Cả hai đều suy nghĩ về việc này, mỗi người một cách bí mật không cho người kia biết, mỗi người bắt đắc dĩ công nhận rằng một ngày nào đó cuộc hành trình tuyệt vời này phải chấm dứt, những ngày vàng, những đêm mơ phải qua đi. Trời đất quá tử tế và sự ấm áp của mùa thu làm cho bầu không khí trở nên huyền bí trong lúc họ di chuyển hoặc lần lữa. Họ biết nó phải chấm dứt; đây không phải là đời sống, mà chỉ là tình yêu, và ở đâu đó phải có sự nhập một của hai người.
Dục Thủy là người thực tế nên đề nghị ngày cuối cùng. Nhạy cảm trước vẻ mặt của chàng, nàng đã biết chàng sợ ngày cuối cùng lắm. Trước mặt có một cái gì lờ mờ ám ảnh, nàng không biết là cái gì, nhưng nàng hết sức tự sửa soạn. Nếu nàng rất thận trọng, rất biết lo bổn phận, nếu nàng bao giờ cũng coi người trên quan trọng nhất, thì hai người sẽ có thể hạnh phúc với nhau. Nàng hiểu nàng là vai chính. Ban đêm khi chàng ngủ, nàng suy nghĩ lại về người đàn ông mà nàng mỗi lúc một yêu nhiều hơn này; tuy nàng đầu hàng chàng tất cả, nhưng nàng bắt đầu mơ hồ hiểu rằng người đàn bà không nên đầu hàng nhiều hơn người đàn ông muốn. Khả năng tiếp nhận phải bằng với khả năng cho.
Chàng nói, “Nếu chúng ta không dừng lại đâu đó một hai ngày, chúng ta có thể về tới nhà vào ngày mai.”
Nàng dò hỏi, “Anh không muốn về nhà ử”
“Ô hay, dĩ nhiên anh muốn chứ. Chúng ta phải dừng lại tạo lập một gia đình. Anh phải nghĩ tìm việc làm. Anh sẽ từ bỏ quân ngũ. Anh có thể – thời hạn quân dịch của anh chấm dứt mấy năm trước rồi. Có lẽ anh sẽ như ba hiện nay – một người phong lưu nhà quệ”
Nàng đặc biệt chú ý theo dõi mọi điều chàng nói, nhưng nàng không phải bao giờ cũng hiểu hết những lời nói ấy, những ý nghĩa thêm vào, cách nói bóng gió của thàng thành ngữ. Mỗi một tiếng Anh chỉ gồm có định nghĩa trong tự điển cho nàng, và không hơn nữa.
Nàng trả lời, trở lại với quan niệm bổn phận. “Chúng ta phải biết giờ chúng ta về tới nơi.”
“Ngày mốt, khoảng sáu giờ chiều.”
Nàng năn nỉ, “Như vậy ngày mai, James, xin anh gọi điện thoại cho ba mẹ anh.”
Chàng nhận thấy cố gắng của nàng muốn kiểm soát chàng cũng quyến rũ như sự độc tài của một đứa trẻ. Nàng quá lo lắng hướng dẫn chàng trong lúc nàng tôn thờ và vâng lời chàng. Theo nàng thì chàng rất cần thiết phải cư xử đúng cách, ít nhất là đối với người khác. Nàng bật cười khi chàng la cái mà nàng cho là “hư”, như khi chàng không thức dậy về buổi sáng, khi chàng liệng quần áo ngủ xuống sàn nhà, khi chàng vò mái tóc mượt mà của nàng, hoặc chiếc áo mới của nàng, khi chàng chọc nàng bắt nàng phải tranh luận với chàng một cách nghiêm trọng và hăng hái đến nỗi chàng không nín được cười. Khi nàng trông thấy nụ cười tinh quái của chàng, nàng thường la mắng “James hư quá!” và đặt bàn tay phải lên miệng để che giấu tiếng cười. Chàng nhận thấy nàng chiều chuộng chàng một cách quá đáng. Nàng không nhận sự giúp đỡ nào của chàng trong công việc hàng ngày tại những nơi họ dừng lại. Nàng hầu hạ chàng, lấy khăn sẵn sàng cho chàng tắm, rửa đồ cạo râu sau khi chàng dùng xong.
Thoạt đầu chàng kêu lên phản đối sự hầu hạ này. “Ở đây em là vợ anh chứ không phải là nô lệ của anh!”
Nhưng nàng nhất định làm thế và chàng đành phải nhượng bộ, bởi vì đây là cách nàng bày tỏ tình yêu với chồng. Chàng phải nói rằng thực là thú vị khi có người khác hầu hạ mình. Nó cho chàng cái cảm giác nhàn tản và tự do không bận tâm tới tiểu tiết. Trong thâm tâm, nàng là người Nhật Bản. Một người con gái Mỹ không bao giờ hầu hạ chàng như thế. Chàng bắt đầu hiểu tại sao nhiều người nói không thể yêu một người đàn bà Mỹ nếu người ta từng biết một người đàn bà Á đông.
Sáng hôm sau Dục Thủy ngọt ngào nhắc chàng. “Thế là sáng nay anh gọi cho ba mẹ, phải không?”
Chàng hững hờ nói, “Phải, một lúc nào đó.” Một ngày hạnh phúc nữa lại bắt đầu trong làn sương tím mờ của rặng núi trước mặt. Chàng không muốn nghĩ tới lúc chấm dứt của cái ngày này.
Tuy nhiên chàng thấy nàng lo lắng. Nàng ngồi bên cạnh chàng trong một sự gò bó lo lắng, khiến chàng phải áy náy.
Chàng bảo nàng, “Dục Thủy, anh sẽ gọi điện thoại mà. Hãy thoải mái đị”
Nàng đồng ý. “Phải, bây giờ là đúng lúc phải không?”
Chàng bỗng phì cười. “Được rồi, gặp trạm điện thoại công cộng đầu tiên chúng ta sẽ dừng lại. Em hãy nhìn cái dấu hiệu chiếc chuông xanh.”
Nàng trông thấy nó trước. Mười phút sau khi qua một khóm nhà, nàng chỉ tay vào trạm điện thoại và kêu lên, “Kia kià!”
Chàng bắt buộc phải dừng xe. Chàng dặn, “Em đợi ở đây.” Bây giờ cái giờ phút ấy đã tới, chàng có vẻ lo lắng và bất đắc dĩ. Chàng không còn quá nhỏ để mà hoảng sợ, dù chuyện gì xảy ra. Chàng có thể đem Dục Thủy bỏ nhà đi, và sẽ sống nơi nào hai người thích. Nhưng chàng không muốn xa nhà. Những năm ở hải ngoại đã làm tăng thêm lòng yêu nước, yêu quê hương, yêu căn nhà lớn mà ông cố chàng đã xây dựng để cho những thế hệ sau có chỗ ở. Đó là một cách sống có thể sau này không còn nữa, nhưng sẽ còn kéo dài suốt đời chàng, ít nhất tại Hoa Kỳ. Chàng muốn sống cái đời ấy, giống như cha chàng, khôn ngoan, nhàn tản và bằng lòng.
Chàng đứng trong phòng điện thoại, nghĩ tới những ý tưởng ấy trong khi chờ đợi. Và liệu Dục Thủy có thể thay thế cho mẹ chàng không?
“Đây là người ông muốn gọi,” giọng người Operator vang lên qua đường dây.
“Hello, bả Đây là James.” Chàng gọi cha chàng để nói chuyện thẳng thắn, lo sợ cái hậu quả đối với mẹ chàng.
“Phải, con đấy à?” Chàng ngạc nhiên thấy giọng của cha chàng vang lên trong tai chàng mạnh mẽ và rung ngân. “Con đang ở đâu?”
“Còn cách nhà ba trăm dặm nữa thôi. Con muốn ba biết tụi con sẽ về tới nhà tối mai, hoặc có thể ngày hôm sau nữa, nếu tụi con có thể dềnh dàng đâu đó.”
Cha chàng ngập ngừng. “Phải, được – James, ba nghĩ con nên ở trong một khách sạn đêm đầu tiên. Con và ba cần phải nói chuyện.”
Chàng hỏi, “Chuyện gì vậy?”
“Bây giờ ba không thể cho con biết được. Chúng ta hãy nói chuyện. Con nên ở lại Richmond. Ba sẽ tới đó vào buổi chiều và chờ con. Con có thể gọi ba tại hội quán khi con vào khách sạn.”
“Được rồi, tụi con sẽ tới đó.” Chàng mong tới đó ngaỵ Chàng muốn biết và sẵn sàng đương đầu với bất cứ chuyện gì cha chàng nhấn mạnh hai người phải nói chuyện với nhau.
“Goođbye, bạ Chiều mai gặp bạ”
“Được rồi, con.”
Chàng buông điện thoại và lang thang một giây lát trong cái tiệm nhỏ này. Chàng mua vài thỏi sô cô la và đổi thối tiền. Như vậy chàng có đủ thời giờ vất bỏ sự lo lắng trên mặt chàng. Mắt Dục Thủy tinh lắm; nàng có thể đọc được ý nghĩ của chàng, có thể bắt được cái tâm trạng của chàng. Chàng không muốn giấu diếm nàng điều gì, nhưng chàng vẫn cố giấu để tránh cho nàng đau đớn. Chàng cũng đã bắt đầu hiểu nàng, và chàng nhận thức rõ trong nàng sự tuyệt vọng mau lẹ, một sự sẵn sàng từ bỏ hy vọng và tin vào điều xấu nhất, mà chàng coi đó là bản chất của người Nhật. Bây giờ nàng không được từ bỏ hy vọng ngay lúc khởi đầu này.
Khi chàng trở lại xe, chàng mỉm cười và đưa nàng kẹo sô cô la.
Nàng kêu lên, “James, cám ơn.” Chàng thích cho nàng những món quà nhỏ để có thể nghe thấy cái lời dịu ngọt tận đáy lòng sự biết ơn lễ phép của nàng, những lời cám ơn nói bằng một giọng chấp nhận ấm áp. “Và anh có nói chuyện với ba mẹ không?”
“Có, nói với ba anh. Chúng ta sẽ dừng lại ở Richmond đêm đầu tiên, trong một khách sạn sang trọng. Ba anh nói sẽ tới đó gặp anh.”
Nàng kêu lên, “Ôi, ba anh thực là tốt và tử tế.” Mắt nàng thoáng vương chút lệ. “Em hy vọng ba không quá già. Thực là phiền ba quá! Còn mẹ anh thì sao?”
Chàng bịa thêm. “Mẹ anh muốn ở nhà và sửa soạn nhà cho thật đẹp.”
Dục Thủy rất sung sướng sau đó. Nàng đưa cho chồng ăn những miếng sô cô la trong lúc chồng lái xe, và nàng chỉ ăn chút ít. Nàng cẩn thận gói phần còn lại trong giấy bạc, bọc một lần giấy bao bên ngoài, và bỏ vào ngăn kéo, để lần khác dùng. Sự tiết kiệm của nàng làm chàng cảm động. Nàng cẩn thận với những đồ ăn còn dư, quần áo chàng và quần áo nàng, những trang giấy chưa viết hết, và những thứ nhỏ nhất có thể phí phạm. Nàng sống giữa những người đã được dậy phải tiết kiệm và xử dụng tối đa mọi nguyên liệu. Chàng tự hỏi không biết nàng sẽ đối xử với những phí phạm quá lớn trong căn nhà lớn của chàng, bốn người đầy tớ, những thùng đồ ăn mang về nhà, đồ ăn bỏ đi, sự cẩu thả về tiền bạc và quần áo, và nhiều thứ khác? Chàng lo ngại trước ý nghĩ ấy. Có một cái gì rất cứng cỏi ở nàng. Bên dưới cái bề ngoài dịu dàng, nàng có những nguyên tắc không lay chuyển được. Sự chính đáng là một tuyệt đối trong cái trí óc trẻ, trong sáng và mạnh mẽ của nàng. Mặc dù lòng nàng tràn ngập tình yêu cho chàng, sự chính đáng vẫn còn đó. Nàng có một nhiệt tâm cho bất cứ cái gì nàng cho là đúng đắn, trong thái độ trong lời nói và trong cử chỉ. Nàng không đòi hỏi chàng phải quá nghiêm túc như nàng, nhưng với bản thân, nàng rất khắt khẹ Chàng có thể trông thấy trong tương lai nàng sẽ sốt sắng trong việc bảo vệ chàng, hăng hái bảo vệ tiền bạc, nguồn lương thực, và hạnh phúc của chàng. Chàng sẽ không thể khuyến dụ nàng rằng sự phí phạm ấy có thể chính đáng, hoặc một sự ăn cắp vặt nhỏ của đầy tớ không phải là trộm cắp. Tất cả sẽ được làm vì chàng, nhưng chàng tiên đoán tình yêu này có thể không bao giờ suy giảm, tuy dịu dàng nhưng rất đỗi đâm mê.
° ° °
Chàng chọn một khách sạn nhỏ trên một con đường yên tĩnh tại thành phố Richmond, và chàng đủ thành thực biết rằng chàng làm thế để không gây nhiều chú ý khi chàng cùng Dục Thủy bước vào khách sạn. Chàng sẽ phải làm quen với những cái nhìn tò mò và những câu hỏi về chàng tại Nhật Bản. Nếu nàng nhận thấy thế thì liệu nàng có cho chàng biết không? Bây giờ chàng không dám hỏi nàng, sợ sẽ gây thương tích cho tâm hồn nàng.
Khách sạn thì sang trọng. Dục Thủy thích cái vẻ cổ kính yên tĩnh này, khi hai người bước vào một phòng nhỏ, cửa sổ mở ra một công viên, trong đó một vài cây vẫn còn mang màu sắc rực rỡ của mùa thụ James gọi điện thoại tới hội quán của cha chàng.
Ông Peterson đang chờ điện thoại của con. Ông tới đây ngày hôm trước và dùng thời giờ thăm các bạn cũ, không phải tại nhà riêng, mà tại văn phòng của họ. Ông thường tránh đến nhà riêng của bạn bè. Mọi người đều nhàn tản, và đều vui mừng gặp lại ông, bởi vì ông là người có một kho tàng kiến thức. Ông Peterson đáng giá hơn một tờ báo.
Ông trả lời con, “Ba sẽ đến ngaỵ”
Ông bỏ điện thoại xuống, khoan thai băng qua căn phòng lớn và vui mắt mà ông thuê thường xuyên tại hội quán, mặc áo choàng, đội nón và bước xuống chiếc cầu thang cong uốn tròn. Hội quá không có thang máy, nhưng dù có thang máy ông cũng không dùng.
Bên ngoài không khí oi nồng vì hơi nóng ẩm ướt cuối mùa. Ông chặn một chiếc tắc xi và ra lệnh, “Đưa tôi tới khách sạn Hoàng Gia,” và ngồi như quên đi trong lúc chiếc tắc xi chạy vòng vèo trong thành phố. Ông không có ý định giấu diếm con trai về cuộc nói chuyện lâu dài với vợ. James càng biết sớm càng dễ cho chàng đương đầu với hoàn cảnh. Thời gian phải qua đi trước khi người ta biết lúc chấm dứt. Ông xuống xe bên ngoài khách sạn, trả tiền, và lắc đầu với người bồi da đen đang đứng vơ vẩn trước khách sạn.
“Tôi không ở khách sạn này. Tôi tới để thăm người quen.”
Ông tự thấy ngạc nhiên. Tại sao ông không nói, “Tôi tới gặp con trai tôi?” Có phải trong ông cũng có sự bất mãn khốn nạn ấy? Nếu có, ông sẽ nhổ nó đi. Ông ghét thành kiến. Trong cõi riêng của óc ông, ông tin rằng ngày ấy sớm muộn cũng sẽ đến khi mọi người cùng một màu dạ Hãy để mọi người cùng màu da nâu dơ bẩn! Có sao đâu? Vì thế nên vất bỏ cái nguyên nhân rắc rối này càng nhanh càng tốt. Một lần ông ở New York và trong một bữa ăn tối công cộng, ông gặp một phụ nữ muốn cứu giúp quốc gia này.
Bà ta hỏi ông, “Ông Peterson, chúng ta phải làm gì với màu dả”
An toàn giữa những người lạ, và xa cách miền Nam và những người quen biết của ông, ông vui vẻ nói, “Hãy làm nhạt màu da đị” Người phụ nữ ấy không nói chuyện với ông nữa.
Bây giờ ông thong thả bước lại bàn giấy và nói với người thư ký, “Bảo ông James Peterson biết bố ông ta đang lên lầu gặp ông tạ”
“Thưa ngài vâng ạ.” Người thư ký lễ phép trả lời, và nhìn ông trừng trừng.
Như vậy là người ta nhìn nhau chằm chằm, phải không? Ông không quan tâm.
Người thư ký nói, “Thưa ngài thang máy ở phía kiạ”
“Tôi thích đi bộ,” ông Peterson trả lời. Chỉ là tầng thứ hai thôi mà. Ông hết tập thể dục, và an ủi lương tâm bằng cầu thang. Cầu thang rộng và dễ đi, và những hành lang trên lầu được trải thảm rất dầy. Bước chân ông không gây tiếng động và ông gõ mạnh cửa – phòng số 22, theo James cho biết. Ông nghe thấy một tiếng kêu nhỏ qua chiếc cánh cửa mở, một giọng nói con gái, rồi tiếng James trả lời, “Đó là ba anh đấy.”
Cửa mở ngay lập tức. Căn phòng trống rỗng, ngoại trừ James đang mỉm cười với ông:
“Dục Thủy vào phòng ngủ để chải tóc. Cô ta lo lắng phải có một bề ngoài tề chỉnh. Mời ba vào.”
“Ba đoán tất cả đàn bà đều lo lắng về mái tóc của mình.”
Ông bước vào phòng và để James cởi áo choàng, nón và gậy cho ông. Rồi ông ngồi xuống trong chiếc ghế bành êm ái nhất và nhìn quanh căn phòng khách nhỏ bé. Ông không được kéo dài thêm nữa, nhưng ông chậm lại đủ để đốt một điếu xì gà.
“Trước khi cô ta bước vào, con ơi, ba phải cho con biết rằng trí óc mẹ con không được bình tĩnh. Ba không muốn nói chuyện này trước mặt vợ con, nhưng con và ba phải nghĩ về chuyện này.”
James đứng nguyên tại chỗ, thất thần bởi sự nghiêm trọng của sự từ chối trên mặt cha.
Chàng hỏi, “Ba muốn nói mẹ không muốn chúng con về nhà?”
Ông Peterson trông có vẻ đau khổ. Ông quay đầu đi và hút một hơi xì gà. “Con ơi, ba sợ như thế. Ñt nhất mẹ con chưa sẵn sàng cho vợ con về nhà. Dĩ nhiên mẹ lúc nào cũng vui mừng gặp con. Thực ra, mẹ bảo ba nói với con rằng con lúc nào cũng được hoan nghênh tại nhà. Mẹ con nói phòng của con bao giờ cũng giữ riêng cho con, lúc nào cũng sẵn sàng bất cứ khi nào con cần đến.”
“Xin chờ một phút – ”
James chạy vội vào phòng ngủ và đóng cửa giữa hai phòng lại. Có một sự im lặng lâu dài, một sự chờ đợi lâu dài. Ông Peterson tiếp tục hút xì gà. Ông hy vọng James không nói cho người con gái biết. Dễ giải quyết vấn đề hơn nếu những người đàn bà không biết. Nhưng giống như những chú rể khác, James có lẽ nghĩ chàng phải nói cho vợ biết chuyện. Đàn ông phải mất thời gian mới học hỏi được, và một người bố cũng không thể dậy con trai mình được gì.
Trí óc ông trở về với bà vợ, và cái buổi tối khốn khổ hai người sống với nhau. Ông đã bảo cho bà biết sự thực, rằng ông sẽ đi Richmond để gặp James và người vợ mới cưới của con trai. Thay vì biết ơn ông, bà trách ông thậm tệ.
Ông giải thích, “Chúng ta phải tìm ra đường lối tốt đẹp nhất. Ai đau lòng nếu không là chúng tả Chỉ bà và tôi thôi. Những người trẻ có thể bỏ đi và tạo lập một đời sống riêng ở đâu đó. Chỉ có bà và tôi bị bỏ lại trong căn nhà này. Chúng ta không thể từ con được.”
Bà cãi lại, “Tôi không đòi hỏi chuyện ấy. Tôi chỉ nói một điều tôi vẫn từng nói, là nó không thể đem người con gái ấy đến đây.”
Ông nhắc nhở bà, “Chúng nó đã kết hôn rồi.”
Trên bộ mặt xinh đẹp của bà, có lần lâu lắm rồi ông trông thấy một cái gì có thể gọi là khinh bỉ. Lần đầu ông trông thấy là lúc ông bà đi hưởng tuần trăng mật, và ông đã quên không biết tại sao. Ông chỉ nhớ lại sự xúc động khi trông thấy cái miệng đẹp đễ ấy, chỉ để hôn, có thể nhếch lên để xua đuổi cả tình yêu của ông. Nhưng vào những ngày ấy, ông vẫn không ngừng yêu bà, nhưng ông không còn yêu bà trọn vẹn như trước nữa. Có những giờ những ngày và chắc chắn có những giây phút ông thích không nghĩ đến bà nữa.
Bà tuyên bố, “Chúng nó chưa kết hôn.” Bà nói bằng một giọng kéo dài nhẹ nhàng ngọt ngào, người đàn bà dịu dàng nhất khi bà muốn thế, nhưng cũng vẫn là cái giọng nói khô khan cứng cỏi mà ông sợ hãi.
“Tại sao bà nói thế? Bà biết tôi đã bảo bà một ngôi chùa thì cũng giống như một nhà thờ – ”
“Tôi không cần biết về các ngôi chùa.”
Ông không thích cái vẻ chiến thắng trên mặt bà. Ông đã từng thấy cái vẻ ấy trên mặt bà, hai ba lần, một lần khi James vào quân trường trái với ý muốn của James và ông. Ông đã để bà toại ý bởi vì nếu ông nhất định đòi con trai rút ra khỏi quân trường thì có thể tạo ra một sự Ồn ào công cộng.
Ông bắt đầu, “Đó không phải là cái bà quan tâm đến – ”
Bà cắt ngang lời nói quanh co của ông bằng một tiếng kêu. “Ông đúng! Cái điều tôi nghĩ hay ông nghĩ không quan trọng, mà là luật lệ. Luật của tiểu bang này cấm hôn nhân giữa người da trắng và người da màu.”
Bà nhìn ông và bắt buộc ông phải trả lời.
Ông nói to, “Bà biết luật ấy làm ra để chống lại người da đen!”
Bà nhắc lại, “Đó là luật pháp.”
Ông đứng dậy và bỏ đi, nhưng trước khi ông có thể ngủ, ông đã gọi luật sư riêng của ông để hỏi. Điều đó đúng. Luật pháp của tiểu bang ngăn cản hôn nhân của James, bởi vì người con gái có dòng máu Á châu. Bây giờ ông phải bảo cho con biết.
Cửa phòng mở ra và James bước vào cùng với Dục Thủy. Ông Peterson rất sợ cái giây phút này, và bây giờ cái giây phút ấy tới. Ông chậm chạp đứng dậy, chăm chú nhìn người con gái mà con trai ông đang nắm tay, một người con gái e lệ xinh đẹp, nước da trắng ngà đang ửng đỏ và hai mắt đẹp đen láy long lanh vì sợ hãi. Ông nghĩ tại sao một khuôn mặt ngọt ngào như vậy, một đứa trẻ nhút nhát như thế, một đứa trẻ đau khổ, lo lắng muốn làm vừa lòng, đang năn nỉ để được hiểu và chấp nhận! Tất cả lòng tội nghiệp của ông, sẵn sàng và run rẩy, đổ dồn về phía nàng.
James nói, “Đây là Dục Thủy.”
Ông Peterson nặng nề bước ngang qua phòng và chìa bàn tay phải to và mềm mại của ông. Ông nói, “Chào cô, tôi rất vui mừng gặp cộ Cô đã phải đi quá xa và tôi hoan nghênh cô tại đây.” Ông cảm thấy bàn tay nhỏ bé của nàng trong tay ông, và khẽ nắm lại. “Có lẽ cô mệt và nhớ nhà lắm.”
“Dạ không, cám ơn ba,” Dục Thủy trả lời bằng một giọng chỉ to hơn tiếng thì thầm. Nàng cảm thấy quá bé nhỏ trước thân hình ông Peterson. Ông là một người quá to lớn, nhưng ngay lập tức nàng biết ông là người tử tế. Nàng mỉm cười, đôi môi run rẩy và mắt mở to hơn bao giờ khi nàng ngẩng lên nhìn ông.
Ông Peterson cúi xuống dịu dàng nhìn nàng, cảm thấy dễ chịu khi thấy nàng rõ ràng không phải là da mầu. Tại sao, có biết bao con gái của những gia đình tốt đẹp nhất của miền Nam lại đen hơn nàng nhiều. Ông sẽ phải bảo cho vợ biết thế.
Ông nói, “Cô có vẻ hơi bé nhỏ, phải không?” Ông quay lại con trai. “Có phải tất cả người Nhật bé nhỏ như cô tả”
James trả lời, “Dục Thủy không bé nhỏ đâu bạ” Chàng cảm thấy nức lòng. Cha chàng có phản ứng tức thời với cái duyên dáng cảm động và thanh tú của Dục Thủy, và chàng kiêu hãnh vì nàng. Cha chàng hiểu tại sao người ta phải yêu nàng. Cha chàng đứng về phía hai người.
Đứng giữa hai người đàn ông cao lớn, Dục Thủy bỗng nhiên mỉm cười. Nàng không còn sợ hãi nữa. Cái người đàn ông mập mạp to lớn này là cha chồng nàng sẽ giúp đỡ hai người và mọi chuyện sẽ tốt đẹp. Nàng thích ông, nàng không bao giờ sợ hãi ông, nàng sẽ rất sung sướng sống trong căn nhà của ông. Thảo nào James cũng là một người tuyệt vời, vì là con trai của một người bố như thế. Và nàng sẽ là một con dâu hoàn toàn.
Nàng lùi ra khỏi James, và nói, “Xin ba ngồi xuống. James, chúng ta không có trà. Xin gọi khách sạn đem trà và vài món ăn lên.”
“Tôi không muốn ăn gì cả,” ông Peterson nói cũng bằng một giọng dịu dàng. Người con gái này thật là dễ thương! “Tôi vừa mới ăn sáng xong, và James sẽ cho cô biết tôi ăn sáng rất nhiều. Và tôi ăn rất ít trong ngày. Ban đêm là lúc tôi ăn tối.”
Ông ngồi xuống và nhìn quanh ông. Nàng năn nỉ, “Xin dùng ít whisky với sô đả Hoặc cokẻ” Nàng đã tập cách uống và gọi chữ Coke trong khi hai người đi đường, bởi vì nàng không thích rượu.
“Hừ, có lẽ whisky-sô đa,” ông Peterson nói để vui lòng nàng.
Vì thế James phải gọi rượu và nàng không cảm thấy thoải mái cho tới lúc người bồi mang rượu lên trong một cái khaỵ Nàng không cho James đụng vào ly và đá; nàng phải tự làm lấy tất cả. Mãi đến khi ông Peterson được mời rượu, khi nàng mang một chiếc bàn nhỏ đến bên ông và đặt mọi thứ trên bàn, và chỉ khi nhìn thấy ông đã cầm ly rượu trên tay nàng mới cảm thấy dễ chịu. Nàng đứng chờ đợi và lo lắng cho tới khi ông nhấp ngụm rượu đầu tiên.
“Có vừa không bả”
“Hoàn toàn lắm,” ông nức lòng trả lời, sẵn sàng nói bất cứ cái gì làm vui lòng nàng. “Bây giờ hãy ngồi xuống đây và nghỉ đi. Tôi muốn nghe cô nói chuyện. Tôi muốn biết con trai tôi đối xử với cô như thế nào. Nó phải tử tế với cô!”
James yêu cầu, “Ngồi xuống, Dục Thủy.”
Nàng ngồi xuống ngay lập tức, không trả lời, cái thân hình duyên dáng nhỏ nhắn của nàng vẫn còn căng thẳng, hết nhìn người bố lại nhìn người con.
Ông Peterson hỏi con trai, “Cô ta lúc nào cũng làm hư con như thế này, phải không?”
James mỉm cười trả lời, “Đó là quan niệm của người Nhật về bổn phận của người đàn bà.”
Ông Peterson nói, “Họ là một dân tộc tuyệt vời.”
Rồi ông nhớ lại. Thói quên lâu dài làm ông dễ quên cái điều buồn bã hoặc khó khăn, hoặc rắc rối, và trong một lúc ông quên hết. Nhưng dĩ nhiên ông không thể nói chuyện trước cái sinh vật nhỏ bé này. Trái tim nàng sẽ bị tan vỡ; không thể để nàng chịu đựng một việc như vậy. Ông và James phải nghĩ cách làm thế nào. Ông phải giúp con trai làm thật đúng. Nhưng thế nào là việc đúng?
Ông trở nên nghiêm trọng, và Dục Thủy lập tức cảm thấy tâm trạng của những người gần nàng nhất; nàng nhìn James và lại hoảng sợ. Nàng ao ước chàng có thể nói tiếng Nhật, vì như thế nàng có thể hỏi chàng nàng đã làm điều gì sai lầm. Chàng không nhìn nàng, và bỗng nhiên nàng không thể chịu đựng được sự im lặng và cái nhìn đăm đăm đau buồn của người bố. Ông Peterson không nhìn nàng hoặc James, mà nhìn ly rượu, tấm thảm dưới chân, và cửa sổ. Nàng rón rén đi ngang qua phòng, và đặt tay lên vai James. Nàng thì thầm dò hỏi, “Em có làm điều gì sai không?”
James trả lời bằng giọng bình thường, “Không, dĩ nhiên là không rồi. Nhưng Dục Thủy, anh nghĩ ba anh muốn nói chuyện riêng với anh. Có lẽ em nên vào phòng bên cạnh.”
Nàng biết ngay lập tức có một điều gì rất không hay, nhưng nàng vâng lời như một đứa trẻ. Nàng bước tới cửa phòng ngủ, bước vào trong, và khép cửa lại sau lưng.
Ông Peterson bây giờ biết rằng ông phải đương đầu với sự thực. Không trốn tránh được. Ông bỏ ly rượu xuống. “Con, ba có tin rất xấu.”
James chờ đợi, không trả lời.
Ông Peterson hỏi, “Ba có nên kể hết cho con không?”
“Ba ơi, dĩ nhiên rồi.”
Ông nghiêng người về phía trước, đặt hai khuỷu tay lên đầu gối, và hai bàn tay hộ pháp của ông ở giữa hai đầu gối. Ông nắm hai tay lại, những ngón tay vặn vào nhau. “Con ơi, ba đoán mẹ con đúng. Đây không phải là một cuộc hôn nhân hợp pháp.”
James hỏi, “Ba nói thế nghĩa là gì?”
Cha chàng nặng nề trả lời. “Không hợp pháp trong tiểu bang của chúng tạ Có một luật lâu đời ngăn cấm hôn nhân giữa hai giống dân khác nhau. Mẹ con tìm thấy luật ấy. Ba nghĩ một vài người bạn của mẹ con nghe biết cái luật ấy. Có thể mẹ con biết luật ấy từ lâu, nhưng ba không nghĩ như vậy.”
James lạnh lùng nói, “Cái luật lâu đời ấy dùng để chống lại người da mầu.”
“Đúng rồi,” cha chàng nói. Ông đổ mồ hôi quá nhiều, những giọt mồ hôi chảy trên trán ông, xuống má và qua hai tai. “Nhưng tha lỗi cho ba, điều luật ấy bao gồm tất cả những ai không phải là da trắng.”
“Ai nói vậy?”
“Ba hỏi luật sư của ba và ông ta nói thế.”
Ông đứng dậy, bước lại cửa sổ và đứng nhìn ra ngoài để cho James có thể bình tĩnh được vài phút.
James nói, “Tụi con không cần phải sống trong tiểu bang này.”
Ông Peterson quay lại, cảm thấy dễ chịu khi con trai đã lên tiếng. “Dĩ nhiên không cần rồi. Việc phải làm là đi tới một tiểu bang khác và xin cưới hỏi hợp pháp. Lúc đó con sẽ an toàn. Nếu con biết chắc đây là điều con muốn làm.”
James hỏi, “Tại sao ba hỏi nếu con biết chắc điều con muốn làm?” Chàng bỗng nhiên tức giận cha, phẫn nộ trước lòng hoài nghi của ông.
Ông Peterson trả lời một cách hoà hoãn, “Con, ba muốn nói con hiểu rõ tâm trí con.”
James tiếp tục nói bằng giọng tức giận. “Tụi con chắc chắn sẽ đi tới một tiểu bang khác. Tụi con sẽ đi New York. Con sẽ kiếm việc làm tại đó. Ba có thể cho mẹ biết con sẽ không bao giờ trở về nhà nữa.”
Ông Peterson nói, “Ba sẽ không nói cho mẹ con một điều như thế.” Ông ngồi xuống, cầm ly rượu và uống cạn nửa ly rồi đặt xuống bàn. “Ba không nghĩ chuyện ấy đúng, ngay con chỉ nghĩ thế thôi. Ba hy vọng con sẽ thường về thăm nhà. Con là con trai duy nhất của mẹ con.”
Chàng cãi lại, “Nhưng mẹ con không đối xử với con như vậy.”
“Bây giờ con lại hành động trẻ con rồi. Ba nghĩ mẹ con quá yêu thương con. Mẹ con không thể cắt đứt với con được, và đó là chuyện rắc rối. Cuống nhau vẫn còn chảy máu. Không phải chỉ là con mà là tất cả cuộc đời mẹ mong đợi ở con. Khi mẹ con biết không thể sinh thêm được một đứa con nữa, mẹ con khóc gần như chết đi sống lại. Ba nghĩ mẹ con không bao giờ vượt qua được nỗi khổ ấy. Ba ôm mẹ con suốt đêm, ngồi trong một chiếc ghế cũ trong phòng của bạ Không người nào có thể ngủ được. Ba không nghĩ mẹ con tha thứ cho Chúa vì việc này. Buổi tối mẹ con không đọc kinh nữa – không đọc từ nhiều năm nay rồi, tuy mẹ con vẫn đi lễ nhà thờ mỗi ngày Chúa Nhật. Nhưng mẹ con giữ nỗi đau ấy. Mẹ con giận ghét ngay cả ba nữa, mặc dù Chúa biết rằng đây không phải là lỗi của bạ”
James cằn nhằn, “Mẹ muốn tất cả mọi thứ theo đúng ý thích tệ hại của mẹ.”
Ông Peterson tránh né vấn đề. Ông nói bằng vẻ dịu dàng tư lự. “Mẹ con là một sinh vật tuyệt vời, đáng thương và con nít.” Lần đầu tiên ông nói với con trai như một người đàn ông. “Mẹ con quá mạnh mẽ, có khả năng và muốn chỉ huy đến nỗi đôi khi ba không chịu đựng được. Rồi ba nhớ lại khía cạnh khác của mẹ con, như một đứa trẻ. Ba nghĩ con không thể hiểu được đâu. Nhưng ba hiểu. Mẹ con là tất cả trong cách riêng của mẹ con, và ba thấy thế lạ lùng lắm. Ba không thể yêu một người đàn bà không lạ lùng.”
Ông liếc nhìn con trai với một cái nhìn nhút nhát gần như thú nhận, một van xin không nói nên lời, bao hàm trong sự thú nhận. James cảm động và khó chịu. Chàng không thể nhìn bà mẹ trong nhiệm vụ người vợ. Đó là một sự trần truồng cần phải che giấu ngaỵ Chàng đứng nhỏm dậy, muốn trốn tránh nó.
Chàng nói, “Con thấy ba đã làm hết sức của ba rồi. Ba ơi, bây giờ là phần con. Ba ở lại ăn trưa với chúng con, được không? Con nghĩ ngay chiều nay chúng con sẽ tiếp tục con đường của chúng con. Con sẽ nhờ gửi quần áo và sách vở của con.”
“Ba không thể ở lại ngày hôm nay,” ông Peterson nói. Ông cảm thấy rất mệt mỏi, và ông không chắc ông muốn gặp lại đứa con dâu đẹp đẽ ấy nữa. “Ba sẽ đến thăm con sau khi con đã yên bề rồi.”
James trả lời, “Con sẽ cho ba biết.” Hai người nắm tay nhau, và chàng chống lại cái ý muốn gục đầu vào vai chạ Trái lại, chàng ngẩng cao đầu, và nói bằng giọng mạnh mẽ và quả quyết, “Con vui mừng khi ba kể hết cho con nghe. Nó làm cho mọi việc sáng tỏ. Con biết vị trí của con.”
Ông Peterson đằng hắng, cố gắng nói một câu gì đáng nói. Ông cảm thấy đầu gối run rẩy và ao ước có thể nằm xuống một lát.
“Này con, goođbyẹ Gọi cho ba nếu con cần bạ Ba lúc nào cũng vậy.”
“Con biết,” James nói. Câu nói quen thuộc với một ký ức tội nghiệp. Cha chàng nói câu này trong bất cứ lần chia tay nào. Nhưng hầu như ông không thể làm được bất cứ cái gì.
Chàng giữ nguyên nụ cười cho tới lúc chàng khép cửa lại sau cái hình dáng rút lui của cha, rồi ngồi xuống một mình, gục đầu vào hai bàn tay.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Cảm ơn bạn đã nhận xét !