Tổng hợp truyện ma của Người Khăn Trắng > Đòi mạng

ĐÒI MẠNG

Kết quả hình ảnh cho Người Khăn Trắng  > Đòi mạng


I.
Lên tận ngôi nhà này để ở, đối với Tân chỉ có một mục đích duy nhất:
Không muốn tiếp xúc với bất cứ người thân, bạn bè nào trong suốt thời gian anh dưỡng thương. Vết thương thể xác của Tân thì đau ít, chỉ cần năm ba hôm sẽ khỏi, nhưng vết thương lòng mới cần quãng thời gian lâu dài để cho nó vơi đi...
Đã ở tuổi trên bốn mươi rồi mà Tân lại vướng vào một bi kịch tình yêu, kể cũng khó nghe. Nhưng suy cho cùng, đã là tình thì đâu chỉ riêng tuổi nào mới đau. Nhất là khi tình yêu trao nhầm người...
Tân bị bà vợ sau khi chung sống hơn bảy năm bỏ ra đi, mang theo tất cả tài sản anh dành dụm được. Mà chuyện ấy cũng không đau bằng vợ anh bỏ đi theo người bạn thân nhất của mình?
Buồn tình, Tân định đi nước ngoài một thời gian, nhưng sau cùng, anh lại chọn ngôi nhà của gia đình anh ở vùng ngoại ô Đà Lạt này để ở. Còn ở đến bao giờ thì Tân cũng chưa biết. Có thể một vài tuần, một vài tháng, hoặc cũng lâu dài hơn... cho đến khi nào trong lòng thanh thản.
Buổi sáng đầu tiên chuyển đến, mặc dù chỉ với một túi xách du lịch nhỏ, và nhà còn nhiều phòng trống khá đầy đủ tiện nghi, được lão Tư quản gia dọn dẹp sẵn trước lúc Tân tới, nhưng Tân vốn tính cẩn thận, ưa sạch sẽ, đã phải bỏ ra ngót mấy giờ liền để dọn dẹp.
Căn phòng Tân chọn để ở nếu anh không lầm thì trước đây do ông chú anh ở trong những khi ông lên đây nghỉ dưỡng. Chú Tính là một thương gia giàu có, có cuộc sống khá phóng khoáng, kể cả vật chất lẫn tình cảm. Nghe nói ông có nhiều mối tình lãng mạn, ly kỳ trong nhiều năm thời trai trẻ, thậm chí đến tuổi trên sáu mươi mà ông còn dan díu với vài người phụ nữ trẻ...
Ông chết đi do một tai nạn giao thông, ngôi nhà để lại qua trối trăng trước lúc lâm chung thì dành cho Tân, đứa cháu ruột duy nhất mà ông có. Tuy nhiên, đã từ mấy năm rồi Tân chưa hề về qua đây. Thứ nhất, Tân không ưa khung cảnh quá tĩnh mịch này, thứ hai là anh ngại người đời nhìn mình với nhãn quan của những kẻ tò mò... nhất là anh sợ bị đánh giá là đa tình, hào hoa như ông chú.
Có lần, một người bạn so sánh anh giống chú mình, qua vóc dáng và phong cách, vậy mà Tân đã giận anh ta một thời gian! Như thế đủ thấy trong cuộc sống tình cảm, Tân nghiêm túc hơn chú Tính nhiều. Vậy mà...
Vậy mà kẻ nghiêm túc lại bị tình phụ.
Tân tự nhủ và cười mỉa một mình...
Căn phòng tuy đã được ông già Tư dọn trước, nhưng khi Tân dọn lại, anh phải vứt ra ngoài hàng đống rác. Trong số đó có một cái thùng gỗ rất cũ mà anh nghĩ là thùng chứa các vật dụng phế thải.
Tuy nhiên lúc dọn xong, chuẩn bị đưa đống rác đó bỏ hẳn ra sân thì chợt Tân nhìn thấy dòng chữ ghi rất cẩn thận bên hông thùng: Không ai được đụng vào thùng này!
Sự tò mò khiến Tân mở thùng ra. Và anh sững sờ khi nhìn thấy trong đó là một cái đầu lâu được đặt trên tấm lụa màu đỏ thắm!
Tuy không sợ, nhưng Tân cũng mất vài mươi giây thẫn thờ nhìn chiếc đầu lâu. Dù không rành về nhân chủng học hay khảo cổ học, nhưng qua mắt thường Tân cũng đoán ra đó là xương sọ của một người phụ nữ.
Đóng nắp thùng lại, Tân suy nghĩ mãi vẫn chưa tìm được nơi để thích hợp cho cái thùng. Đem trở vào phòng thì anh hơi ngạc nhiên. Ai lại ngủ chung với một cái đầu lâu!
Cuối cùng, Tân quyết định đưa vào một căn phòng trống ngay bên cạnh. Phòng này trước đây dùng làm phòng thờ, tuy ngày nay không còn nhang khói nữa, nhưng trang thờ và các bát hương vẫn còn nguyên. Tân nghĩ, để cái thùng đầu lâu nơi đây có lẽ thích hợp hơn.
Sau khi làm xong việc đó, tự dưng Tân cảm thấy nhẹ nhõm trong người. Anh lại bắt đầu suy nghĩ về lai lịch chiếc đầu lâu. Tại sao ông chú anh lại lưu giữ một vật mà bình thường không ai làm như thế, ắt là phải có nguyên do.
- Thôi, ngủ cái đã!
Hành trình hơn nửa ngày đã lấy đi của Tân nhiều sức lực, bởi vậy vừa đặt lưng xuống không lâu anh đã ngáy đều.
Khí hậu Đà Lạt mát, dễ chịu, mà ngôi nhà lại vắng người, nên giấc ngủ của Tân khá lâu. Có lẽ đã quá nửa đêm...
Tiếng ai đó khóc nức nở. Lúc đầu tiếng khóc còn nghe văng vẳng, nhưng chỉ một lúc sau thì nghe như ở ngay trong phòng của Tân! Anh đã ngủ một giấc dài, nên giờ đây bắt đầu tỉnh táo hơn, tai vừa nghe tiếng khóc là Tân đã mở mắt ra và giật mình khi phát hiện ở cạnh cửa sổ ngay trong phòng mình, có một người đang ngồi xõa tóc xuống kín cả bờ vai.
- Ai?
Tân buột miệng hỏi thì vừa lúc người kia quay lại. Mặc dù chỉ thấy lờ mờ trong tranh tối tranh sáng, nhưng Tân cũng nhận ra đó là một phụ nữ. Anh lại hỏi lần nữa:
- Cô là ai? Tại sao lại vào phòng tôi?
Tiếng khóc ngừng lại, và một giọng nói qua màn nước mắt:
- Tôi đang yên ổn, sao anh lại đưa tôi tới nơi đó? Anh có biết là chính những người bên đó đã làm cho tôi phải ra nông nỗi này hay không? Tôi sợ họ và tôi cũng thù họ! Hãy chuyển cho tôi đi, nếu không, tôi sẽ suốt đêm lang thang ngoài sương gió. Tôi van anh.
Tân định bước tới bật đèn lên, nhưng người đó đã ngăn lại:
- Tôi không chịu được ánh sáng.
Tân hỏi lại lần nữa:
- Nhưng cô là ai? Cần tôi đưa đi đâu?
- Anh thật vô tình, đã cầm tôi lên, nhìn ngắm rồi đưa đi chỗ khác mà không chịu nhìn dưới miếng lụa đỏ để biết tên tôi! Đàn ông đúng là một loại vô tâm như nhau cả.
Tân chợt hiểu ra:
- Thì ra cô là... cái đầu lâu?
- Tôi có tên chứ không phải cái đầu lâu? Hãy gọi tôi là Xuân Hoa.
- Cô Xuân Hoa. Vậy tại sao cô... thành cái đầu lâu?
Câu hỏi của Tân hơi ngớ ngẩn, nhưng nhờ vậy anh mới được trả lời:
- Tại người muốn như vậy! Và cũng tại vì tôi ngu nên mới chịu bị giam hãm nơi này từ bao lâu nay. Anh không phải là người gây ra tội với tôi, nhưng bởi anh là người đầu tiên nhìn thấy tôi trong hoàn cảnh này, nên anh phải có trách nhiệm...
Tân là người thẳng tính, anh quên là đang đối thoại với một... cái đầu lâu, nên phản bác ngay:
- Tôi chỉ vô tình và cũng chẳng có trách nhiệm gì với ai cả! Cô muốn bắt đền thì hãy tìm người gây ra hậu quả cho cô mà đòi họ!
- Người đó bây giờ không còn, mà anh là người thừa kế, tức là anh phải có trách nhiệm!
- Chú tôi?
- Ngoài ông ấy thì ai vào đây nữa!
Người này sau câu nói đó đã đứng lên đi về phía Tân, đúng cô ta là một hồn ma, Tân nhìn dưới chân cô ta thì nhận ra bước đi không chạm đất và đặc biệt hơn, trên đầu cô ta không hề có tóc. Một cái đầu lâu gắn trên thân người!
- Cô...
Tân chưa kịp ngồi đậy thì đã nhận được một vật khá nặng ném về phía mình. Khi nhận ra thì Tân hốt hoảng, bởi đó chính là chiếc hộp đựng đầu lâu ban chiều!
- Ngày mai anh chờ để nhận được một gói quà từ xa gửi đến. Hãy nhận và đặt nó vào đây. Chỉ có thế thôi là nhiệm vụ của anh hoàn thành. Tôi sẽ không đòi hỏi gì ở anh nữa.
Dứt lời, thoáng chốc thì bóng dáng cô ta đã không còn nữa! Tân hoàn hồn, anh bật dậy mở đèn và nhìn chung quanh thì căn phòng trống không, chỉ còn vương lại chút dư hương của đàn bà...
Lúc bấy giờ, Tân mới nhìn kỹ vào trong hộp và đọc được trên vuông lụa một dòng chữ: Xuân Hoa.
Anh đứng ngẩn người, và khá lâu sau đó vẫn chưa tài nào ngủ lại được...
Sáng hôm sau, khoảng 9 giờ thì có người phát thư tới bấm chuông gọi cửa. Đã có linh cảm trước nhưng khi người bưu tá yêu cầu đúng tên người nhận bưu phẩm là Tân, thì anh phải vài giây sửng sốt:
- Tôi ư?
Người bưu tá vui vẻ:
- Tôi làm nghề bưu tá này đã gần mươi năm, đây là lần thứ hai tôi mang quà tới nhà này! Lần trước cũng một thùng nhưng nặng hơn, hình như cũng cùng địa chỉ người gởi này...
Tân hơi tò mò, anh nhìn bên trên góc thùng quà và giật mình khi thấy một địa chỉ khá quen.
- Địa chỉ này...
Anh cố lục lại trí nhớ và cuối cùng ngẩn người ra:
- Của Mai Linh!
Đúng là địa chỉ của Mai Linh, người vợ vừa chia tay với Tân! Chính xác hơn, đó là nhà của bà mẹ Mai Linh, nơi mà Linh từng cư ngụ một thời gian dài trước khi về làm vợ Tân.
- Tại sao lại như vậy...
Tân hấp tấp bê nguyên thùng quà chạy về phòng mình. Nhưng chợt đổi ý, anh đi thẳng sang phòng thờ, nơi có thùng chứa đầu lâu. Cái thùng vẫn còn nguyên đó.
Lần này, Tân nhìn kỹ và thấy dòng địa chỉ người nhận quả thật giống y như của thùng quà mới!
Ngồi bệt xuống sàn nhà, Tân mở thùng quà ra. Bên trong chỉ duy nhất một lọn tóc dài của phụ nữ! Cũng gói trong một vuông lụa màu đỏ, nhưng lần này không hề có dòng chữ nào.
Vẫn chưa hiểu gì hết, nhưng nhớ lời dặn lúc đêm khuya, Tân lưỡng lự một chút rồi mới nhẹ nhàng đem lọn tóc sang đặt vào cạnh cái đầu lâu.
Định đặt thùng vào chỗ cũ, nhưng nhớ tới lời trách móc, Tân lại ôm thùng ra ngoài và cuối cùng anh đặt nó trở lại vị trí ban đầu, tức là trong góc tủ sách, trong phòng mình đang ngủ!
Tân đã có chủ định, ngay hôm nay anh sẽ chuyển qua phòng khác ở, trả phòng này lại cho thùng đầu lâu kia. Với Tân, anh vốn là người không biết sợ ma, nên việc ở chung nhà có hồn ma cũng không phải là vấn đề gì ghê gớm lắm! Do vậy sau khi làm xong việc, anh thản nhiên leo lên giường tìm lại giấc ngủ bị mất tối qua...
Trưa hôm đó, khi Tân thức dậy thì anh thấy đồng hồ đã chỉ hai giờ.
Nhìn ra ngoài thấy trời còn nắng nhiều, Tân buột miệng:
- Chiều rồi!
Thì ra anh đã ngủ qua cả giờ cơm trưa khá lâu.
Nhớ lại quy ước giữa anh và ông Tư quản gia, đúng ngọ ông ta sẽ cho người nhà mang cơm đã nấu sẵn đến giúp anh. Mà như vậy chắc là...
Tân bật dậy bước ra ngoài, và nghe có mùi thơm của thức ăn ở nhà bếp. Bước xuống bếp thì đã thấy mâm cơm dọn sẵn với những thức ăn mình ưa thích, và bên cạnh đó là ông già Tư đang đứng chờ.
- Ủa, sao chú Tư lại phải đích thân mang tới, không để các em nó làm?
Ông già Tư cười móm mém:
- Có chuyện này nên tôi phải trực tiếp gặp cậu.
Ông đưa tay chỉ một cái thùng gỗ cỡ bằng chiếc va li lớn:
- Có người gửi cho ông chủ cái này, họ đưa tới tận nhà tôi, bảo phải trực tiếp mang tới cho ông chủ, chắc là họ chưa biết ông chủ đã chết.
- Lại thùng!
Tân đã bắt đầu ngán ngẩm những cái thùng kiểu này. Mà cái thùng này lại lớn hơn gấp ba lần hai cái thùng kia, nên Tân hơi ngạc nhiên, vừa nhìn ông Tư và hỏi:
- Chú có đoán ra cái gì trong thùng này không?
Ông già Tư lắc đầu:
- Tôi cũng không biết. Ngày trước khi ông chủ còn sống, cũng đã một lần bưu tá đem tới một cái thùng nhỏ hơn, chính ông chủ nhận rồi đem luôn vào phòng riêng. Chẳng biết thùng chứa gì trong đó, chỉ thấy sau đó thần sắc ông chủ không vui lắm, cứ hậm hực suốt ngày rồi bực dọc lái xe đi. Và cũng chính chuyến đi đó đã khiến ông chủ bị tai nạn!
Tân bị dao động:
- Có chuyện đó sao?
Anh cúi xuống nhìn kỹ cái thùng gỗ, không có ghi địa chỉ người gửi, cũng không có tên người nhận. Anh hỏi:
- Sao chú biết gửi cho chú của cháu?
- Thì người chở tới nói đúng như vậy!
- Sao chú không giữ người ấy lại để gặp cháu? Cái thùng này lỡ không phải là thứ nghiêm túc thì sao?
Ông Tư nghe trách thì nhận ra sơ suất của mình, nhưng ông bảo:
- Tôi cứ tưởng họ quen biết cậu, gửi cho ông chủ vật gì đó mà cậu cần biết.
Biết có trách thì chuyện cũng đã rồi, Tân nói cho qua:
- Thôi được rồi, để đó tính sau.
Nhưng ông già Tư lại đề nghị:
- Trong lúc cậu ăn sáng thì để tôi đem thùng ra ngoài kia khui thử xem thứ gì bên trong?
Ông bê thùng ra sân và mở ra một cách khó khăn, bởi thùng được buộc và đóng khá chắc. Một lúc sau, nghe ông kêu lên ngoài đó:
- Cậu Tân ơi, ra xem!
Tân buông đũa chạy ra và giật mình khi thấy trước mắt là một bộ xương khô nằm gọn trong thùng!
- Mà nè cậu Tân, cậu xem...
Tân cũng chưa nhận ra gì theo tay chỉ của ông già Tư. Ông ta phải lặp lại:
- Bộ hài cốt không có đầu!
Thì ra là vậy. Tân lẩm bẩm:
- Cái đầu lâu trong hộp!
Bất đắc dĩ Tân mới tìm tới địa chỉ của người vợ vừa bỏ anh cách mấy tháng trước. Không phải vì nghĩ tới tình cũ nghĩa xưa, mà chỉ bởi hai thùng quà có chứa đầu lâu và lọn tóc đàn bà.
Người bước ra mở cửa sau khi Tân bấm chuông là một chị giúp việc, người từng ở chung nhà với vợ chồng Tân trước đây. Vừa nhìn thấy Tân, chị Sáu Hạnh đã reo lên:
- Cậu Tân, không ngờ cậu lại tới đây?
Tân hỏi ngay:
- Có họ ở nhà không?
Sáu Hạnh hỏi lại:
- Cậu hỏi cô Mai Linh hay người nào?
- Thì vợ chồng họ?
Có một tiếng thở dài từ Sáu Hạnh:
- Chuyện không như cậu nghĩ đâu, cậu Tân ơi!
Chị mở rộng cửa ra mời Tân vào, nhưng Tân thì hơi ngại, bởi anh chỉ muốn gặp Mai Linh để hỏi về chuyện liên quan tới hai thùng quà, còn không muốn gặp thằng bạn thân khốn nạn. Có lẽ hiểu, nên Sáu Hạnh nói thẳng ra:
- Không có cậu ta ở đây đâu!
Tân ngạc nhiên:
- Vậy Võ không ở chung à?
- Cậu vào nhà đi, rồi tôi sẽ kể lại cho cậu nghe. Bữa nay cô Mai Linh cũng đi vắng, đến chiều mới về.
Tân yên tâm bước vào nhà. Nhìn một lượt chung quanh anh hơi ngạc nhiên, bởi cách bày biện trong nhà biểu hiện một không khí tẻ lạnh, u ám, chứ không phải là tổ ấm mới của một cặp tình nhân.
Và điều làm cho Tân ngạc nhiên đến sững sờ là ở tủ thờ duy nhất trong nhà lại thờ... ảnh của chú anh!
- Chị Sáu, đây là... ai vậy? Sao lại thờ ở đây?
Anh chỉ về bức ảnh của chú Tính trên tủ thờ. Sáu Hạnh đáp ngay:
- Đó nghe nói là chồng của mẹ cô Mai Linh!
Tân giật bắn người:
- Chị nói thế có nghĩa là... là... đó là cha của Mai Linh?
- Tôi chỉ nghe cô ấy gọi là cha, chắc là vậy. Mà sao cậu cưới cô Mai Linh, vợ chồng ăn ở với nhau hơn năm năm trời mà không biết mặt cha mẹ vợ à?
Tân thú thật:
- Lúc đầu Mai Linh nói cô ấy mồ côi, sau khi cưới rồi tôi mới biết là cô còn có một người mẹ, chứ chưa từng nghe nói về cha cô ấy. Bây giờ nhìn thấy ảnh này tôi lại hết sức bất ngờ, bởi người trong ảnh chính là chú ruột của tôi! Nếu đúng như vậy thì... trời đất ơi, tôi đã phạm vào một tội không thể tha thứ được!
Sáu Hạnh cũng quá bất ngờ, chị hơi run:
- Sao lại có chuyện này được! Mà phải rồi, có thể vì chuyện này nên cô Mai Linh đã phải đột ngột rời xa cậu.
Tân cười mỉa:
- Chứ không phải vì tình yêu mới sao?
Sáu Hạnh lắc đầu:
- Cậu hiểu sai rồi. Cô Mai Linh không hề yêu cậu Võ. Không hề có!
Tân nhìn thẳng vào chị ta, nghĩ là Sáu Hạnh cố tình bênh vực cho Mai Linh:
- Chuyện xảy ra chị chứng kiến từ đầu, bộ chị nghĩ tôi tin chị sao?
Biết mình có nói nữa thì Tân cũng không tin, Sáu Hạnh vội đứng lên đi vào trong, lát sau trở ra với mấy lá thư trên tay.
- Cậu cứ xem thư này thì sẽ hiểu. Thư của cô Mai Linh gửi cho cậu Võ rồi bị trả về, vì cậu ấy đã chuyển nhà đi nơi khác.
Bức thư có đóng dấu bưu điện cách vài tháng trước, người nhận là Võ, người gửi là Mai Linh.
Trong thư viết khá vắn tắt, ý tứ rõ ràng:
"Kính anh Võ,
Muôn ngàn tạ lỗi với anh! Chỉ vì em mà anh mang tiếng bội phản với bạn bè. Cho đến khi anh có dịp tường trình để anh Tân hiểu thì dưới mắt Tân giờ, anh và em là hai kẻ tội đồ, phản trắc, tội lỗi tày đình! Em mong anh hãy vì em, đã giúp thì giúp cho trót, đừng nói gì hết, cho đến khi em làm xong nguyện ước của mẹ em rồi. Em sẽ đích thân gặp lại Tân, lạy anh ấy xin anh ấy tha tội. Em biết mình không xứng đáng được trở về với Tân nữa, nhưng chỉ cần anh ấy hiểu, không khinh rẻ em nữa, thế là đủ rồi. Anh nhận được thư này thì em bắt đầu vào công việc mà mẹ em tha thiết muốn. Em sẽ cố gắng hoàn thành sớm. Chúc anh khỏe. Mai Linh."
Tân đọc lại lá thư lần thứ hai mà vẫn chưa tin đó là sự thật. Anh ngẩng lên hỏi:
- Vậy là sao chị Sáu?
Sáu Hạnh chậm rãi kể:
- Mẹ cô Mai Linh bị điên, đang bị nhốt trong nhà thương điên. Bà ấy cứ ngày đêm muốn được gặp con, và khi gặp thì bà ấy tỉnh trí. Bởi vậy, các thầy thuốc nói rằng chỉ khi nào cô Mai Linh trở về ở với bà thì bệnh bà mới khỏi hẳn. Đó cũng là thời điểm cô Linh biết chuyện mẹ mình có quan hệ với người tên là Tính, một ông chủ đồn điền giàu có, mà người đó lại là chú ruột của cậu, nên cô ấy quyết định rời xa cậu. Bởi hai lẽ, lẽ thứ nhất là cứu mẹ mình còn lẽ thứ hai là vì chuyện liên quan tới ông Tính, chú của cậu và mẹ của cô ấy. Tôi chỉ biết bao nhiêu đó nói để cậu rõ. Thật ra cô Mai Linh không phải người xấu. Việc cô ấy nhờ cậu Võ giả làm người tình là chuyện có thật. Chính tôi đã trực tiếp cùng cô ấy năn nỉ cậu Võ suốt mấy tuần liền cậu ấy mới ưng thuận. Cô Mai Linh vừa rời xa cậu thì cậu Võ cũng biến mất luôn, chưa bao giờ tới đây cả!
Tân thất thần, ngồi thừ người ra, để rơi lá thư xuống sàn nhà...
- Cậu uống nước đi.
Đến khi Sáu Hạnh mời nước, Tân mới hoàn hồn, anh vội hỏi:
- Mai Linh đi đâu?
- Hai bữa nay bỗng dưng bà mẹ cô ấy biến mất! Cô ấy sợ bà trở bệnh nên tức tốc đi tìm khắp nơi mà không thấy. Nghe nói cô ấy trở về nhà thương điên để tìm thử.
- Trước khi đi thì bà ở đâu?
- Ở đây! Cô Mai Linh tận tình lo cho mẹ mình, quên cả sức khỏe của mình. Mà bà giờ cũng đâu còn bệnh nữa, nhưng không biết sao bà lại bỏ đi. Theo tôi nghĩ thì có thể từ khi bà bảo cô Linh gửi cái thùng ấy đi...
Tân hốt hoảng chặn lời:
- Cái thùng gì? Có phải là...
Sáu Hạnh cũng rất thật tình:
- Đó là bộ xương không có đầu, được bà lấy ra từ trong tủ quần áo của mình! Bà ấy thường ôm bộ xương mà khóc trong những đêm thanh vắng, như ôm một người thân! Tôi lấy làm lạ, có hỏi cô Mai Linh thì cô chỉ lắc đầu mà không nói...
Tân lẩm bẩm:
- Bộ hài cốt không đầu, cái đầu lâu và lọn tóc... Có phải chăng...
Đột nhiên Sáu Hạnh hỏi:
- Cậu có biết ngôi nhà riêng trên Đà Lạt của ông Tính không?
Tân chỉ tiết lộ một phần:
- Có biết. Nhưng sao?
- Đó là nơi mà bà mẹ cô Mai Linh bảo con gái gửi cái thùng đó tới.
- Để làm gì chị biết không?
Sáu Hạnh lắc đầu:
- Tôi không rõ lắm, chỉ một lần tình cờ nghe bà nói với cô Mai Linh rằng bà nửa muốn vĩnh viễn không muốn nhìn thấy cô nào đó nữa, nửa lại muốn người ấy sống lại. Nói xong thì bà khóc nức nở!
- Đó là người nào?
- Tôi không biết. Nhưng hình như có liên quan tới ngôi nhà của ông Tính trên Đà Lạt.
Tân nói chỉ đủ mình nghe:
- Không lẽ là... Xuân Hoa?
Nghe thoáng qua nên Sáu Hạnh hỏi lại:
- Cậu nói cái gì... Xuân Hoa?
- À không...
Bất chợt chị đứng lên và nói:
- Cậu vào trong nhà tôi chỉ cho coi cái này...
Tân dè dặt bước theo chị ta vào một phòng nhỏ. Phòng tối mờ mờ, phải bật đèn lên mới nhìn thấy bên trong. Phòng chỉ có một chiếc giường ngủ và một cái bàn nhỏ, trên bàn có đặt một bức ảnh chân dung của hai cô gái chụp chung. Có lẽ đây là ảnh chụp họ hồi còn trẻ, trông người nào cũng đẹp và đặc biệt là cả hai rất giống nhau. Giống như hai giọt nước!
- Đây là...
Tân muốn hỏi nhưng Sáu Hạnh đã đáp ngay:
- Họ là hai chị em song sinh. Người bên phải là cô chị, tức là thân mẫu cô Mai Linh, còn người bên trái là cô em, nghe nói tên là Xuân Hoa!
Tân kêu lên thảng thốt:
- Xuân Hoa! Có lẽ nào?
- Cậu muốn nói gì? Cậu biết cô ấy?
Tân lúng túng:
- Dạ... dạ không. Tôi chỉ...
Vừa lúc ấy, chợt có tiếng từ bên ngoài:
- Chị Sáu sao lại đưa người ngoài vào phòng mẹ tôi?
Sáu Hạnh reo lên:
- Cô Mai Linh về!
Tân quay lại và bốn mắt họ gặp nhau!
- Tân!
- Em!
Họ chỉ thốt được mỗi một tiếng rồi đứng như trời trồng! Trong khi Sáu Hạnh cố giải thích:
- Chỉ vì tôi muốn...
Mai Linh dịu giọng lại:
- Không sao. Chị ra ngoài đi.
Tân chủ động bước ra theo thì Mai Linh gọi lại:
- Em muốn nói chuyện với anh một chút.
Tân nhìn thẳng vào mắt vợ:
- Anh đã biết hết rồi. Anh sẽ...
Như một thân cây đã bị đốn gốc từ trước, giờ chỉ cần một cơn gió nhẹ là đổ. Mai Linh bỗng ngã chúi về phía trước, đúng vào tầm tay của Tân. Anh đón vợ trong vòng tay, vừa kêu lên khẽ:
- Tỉnh lại em!
Mai Linh chưa tỉnh, nhưng hơi thở cô khá đều, phà vào ngực Tân ấm áp...
Tân dìu vợ trở ra phòng khách, đợi cô ngồi xuống ghế xong anh mới gọi Sáu Hạnh:
- Chị Sáu giúp tôi cái khăn nóng.
Giọng của Mai Linh như sắp đứt hơi:
- Không... cần. Em tỉnh rồi.
Tân nghiêm túc nhưng không quá căng thẳng:
- Em phải mau khỏe lại để trả lời anh việc quan trọng này...
Mai Linh đã mở mắt ra, nhưng hình như cô chưa muốn rời khỏi vòng tay của chồng. Giọng cô nhẹ và đều trở lại:
- Em nghe đây. Anh muốn hỏi, muốn mắng, muốn chửi gì cũng được. Miễn là cho em sống. Em muốn được sống...
- Thì có ai bắt em chết đâu.
- Vậy thì anh hỏi đi.
- Em là sao với chú Tính của anh?
Câu hỏi khiến Mai Linh bật người dậy, cô nhìn Tân:
- Anh đã biết?
- Người phải trả lời bây giờ là em chứ không phải anh.
Sắc mặt đang căng thầng của Mai Linh bỗng giãn ra và cuối cùng cô ngả vào lòng Tân, nói qua màn nước mắt:
- Nếu câu hỏi này anh hỏi trước đây ba ngày thì em sẽ không dám trả lời, và có thể là em sẽ ngất đi vì sợ! Nhưng bây giờ thì hết rồi. Trước ngày bỏ đi, chính mẹ đã nói thật với em về chuyện này...
- Nghĩa là sao?
- Mẹ là vợ của chú Tính một thời gian dài. Khi mẹ bị sốc và điên thì em cứ ngỡ mình là dòng máu của ông ấy. Khi làm vợ anh thì em chưa biết anh là cháu ruột của ông Tính, cho nên khi phát hiện ra thì em gần điên lên, em nghĩ mình vừa phạm vào tội loạn luân, lấy phải người cùng huyết thống với mình. Do đó, em mới chủ động bày ra vụ ngoại tình với Võ để bỏ đi và không cho anh đi tìm. Hóa ra...
Tân vẫn còn nghi ngờ:
- Em nói thật?
- Hôm qua trên đường đi tìm mẹ, em đã trở về nhà mình. Thấy cửa đóng then cài em buồn hết sức, nghĩ chắc là không bao giờ còn gặp lại anh nữa. Nào ngờ anh lại tới đây. Anh tìm em hay là...
- Tìm em. Nhưng là việc liên quan tới hai thùng chứa hài cốt mà anh vừa nhận được.
Mai Linh lo lắng:
- Anh đã ở ngôi nhà của ông Tính phải không? Đúng là mẹ có bảo em gửi những vật đó tới địa chỉ ấy. Hộp trước chứa một mớ tóc thì chính em ghi địa chỉ, còn cái thùng sau thì chính mẹ là người nhờ ai đó mang đi, mẹ cũng dặn dò gì đó trước khi người ấy chở đi mà không có em ở nhà. Em cũng không ngờ là anh có mặt ở nhà chú Tính!
- Nghe chị Sáu Hạnh nói, vật trong cái thùng lớn đó mẹ nâng niu dữ lắm, đúng không?
- Bởi vì nó là...
Mai Linh muốn nói, nhưng chẳng hiểu sao vừa nói tới đó thì người cô lạnh buốt, miệng như bị ai đó chặn ngang! Tân hốt hoảng:
- Em sao vậy, Mai Linh?
Mai Linh sùi bọt mép, toàn thân mềm nhũn, hai mắt trợn trừng! Tân kinh hãi kêu to:
- Chị Sáu ơi, tiếp tôi với!
Sáu Hạnh chạy vào và cũng hoảng vía:
- Sao vậy cô Linh?
Họ xúm lại xoa dầu, cấp cứu một lúc khá lâu mà Mai Linh vẫn chưa tỉnh lại. Tân ôm vợ trong lòng và đã khóc lúc nào không hay...
II.
Vừa bước vào nhà, Tân đã phải khựng lại bởi tất cả cửa nẻo trong nhà đều mở tung. Điều này khiến Tân ngạc nhiên, bởi khi đi dích thân anh đã khép chúng lại, cẩn thận cài chốt bên trong. Tân còn dặn ông già Tư rằng cho đến lúc anh về thì tuyệt đối không được thay đổi bất cứ gì, kể cả việc mở cửa các phòng.
Sau vài phút đi kiểm tra một lượt, Tân chỉ còn biết bực mình tự tay đóng lại từng cánh cửa. Và trong lúc làm việc đó, Tân mới phát hiện là trong mỗi phòng đều có một cái bóng phụ nữ in trên tường. Không phải vẽ bằng màu, cũng không phải khắc bằng vật cứng. Cái bóng ấy chẳng khác nào đã được in vào tường như ánh trăng soi!
Đúng hơn, như cách người ta đánh dấu xác nhận chủ quyền ngôi nhà bằng hình ảnh không thể thay thế!
Đã quá mệt sau hai ngày đi về, Tân chỉ muốn được ngủ một giấc, nên sau khi đóng xong các cửa, anh đi ngay vào phòng riêng. Một phần nữa, Tân muốn nghỉ ngơi để ngày mai đón vợ lên ở. Mai Linh đã đồng ý cùng trở lại chung sống sau những ngày xa nhau.
Vừa bật đèn trong phòng, Tân phải lùi lại, kêu lên:
- Bà là ai?
Giữa phòng, một người đàn bà tuổi trên dưới sáu mươi, có gương mặt khá quen, đang đứng im như pho tượng. Bà ta không trả lời câu hỏi của Tân, nhưng ánh mắt của bà đang hướng về chiếc tủ áo ở sát tường như đang muốn nói điều gì đó! Tân hiểu ý, anh vội hỏi:
- Có gì trong đó?
Anh quên cả dè dặt về sự có mặt đột ngột của vị khách lạ, anh bước tới bên cánh cửa tủ, nhanh tay kéo nó ra.
- Ai?
Bên trong tủ có một người nữa, giống như cái hình nhân dùng để trưng bày quần áo! Nhưng con người này biết cử động, biết bước ra sau khi cửa tủ mở!
Tuy hai người, một đứng ngoài và một từ trong tủ bước ra, có tuổi đời khác nhau, nhưng gương mặt của họ và vóc dáng họ có sự giống nhau đến lạ kỳ! Bất chợt, Tân kêu lên:
- Bức ảnh hai chị em song sinh!
Tức bức ảnh chụp bà mẹ của Mai Linh và người phụ nữ mà Sáu Hạnh nói là em ruột của bà!
Trong lúc Tân còn đang sững sờ thì thật bất ngờ, người từ trong tủ bước ra đã tới sát bên người phụ nữ kia bà ôm chầm lấy, khóc nức nở! Bây giờ người phụ nữ già hơn mới lên tiếng:
- Cám ơn con rể của mẹ! Cám ơn Tân, đứa cháu duy nhất của người đàn ông bội bạc mà cả hai chúng tôi đều căm hận và yêu thương! Nhờ có cậu về kịp thời và mở cửa tủ, để đứa em gái tội nghiệp của tôi mới có thể hoàn hồn, hiện được nguyên hình để gặp lại chị nó. Nhờ có cậu mà tôi chuộc được cái tội giết em mình chặt ra làm hai khúc chỉ vì cơn ghen điên cuồng!
Những lời nói trước sau, Tân đều không hiểu hết ý nghĩa, anh chỉ mơ hồ biết rằng họ đúng là chị em ruột như lời Mai Linh kể, và người trẻ hơn kia chính là hồn ma có tên là Xuân Hoa!
Không để Tân đợi lâu, bà mẹ Mai Linh đã lên tiếng:
- Tôi là Liên Hoa, còn đây là Xuân Hoa, chắc cậu đã nghe biết rồi. Chúng tôi là chị em song sinh. Là một cặp Thúy Kiều Thúy Vân của một thời! Chúng tôi do số phận đẩy đưa đã yêu cùng một người đàn ông, con người phong lưu đa tình đó đã hớp hồn chị em chúng tôi, khiến cho chúng tôi trở thành tình địch của nhau! Lúc đầu, chúng tôi chưa biết mình cùng yêu chung người đàn ông tên Tính đó, đến khi phát hiện ra đã quá muộn. Rồi trong một đêm điên loạn, cơn ghen đã làm cho lý trí con người biến thành thú tính, và tôi đã đang tâm giết chết đứa em gái ruột của mình!
Bà kể tới đó thì gục đầu vào người đứa em khóc nức nở. Cả hai tiếng khóc hòa vào nhau tạo thành một âm thanh thê thiết lạ lùng, đến đỗi Tân cũng phải mủi lòng.
Một lúc lâu sau khi cơn xúc động đã lắng xuống, bà lại tiếp tục:
- Bi kịch lớn nhất đời tôi lại xảy đến cho đứa em gái mà tôi yêu thương nhất đời! Khi đã lỡ tay giết nó rồi, cơn cuồng dại thú tính trong tôi chưa chịu nguôi, chính tay tôi đã gửi từng phần thân thể nó tới cho người đàn ông phong lưu tội lỗi kia! Đầu tiên là bộ xương sọ của Xuân Hoa, sau đó đến lọn tóc đẹp như tóc tiên của nó, và sau cùng tôi gửi nốt phần hài cốt còn lại của nó tới đây. Hai lần gửi trước thì tôi làm trong khi tâm thần điên loạn, nhưng lần gửi sau cùng thì trong lúc đã tỉnh trí, tôi gửi tới để hy vọng giúp em gái mình có trọn vẹn hài cốt, để hy vọng được hoàn hồn như báo mộng của nó. Và chính cậu đã góp một phần vào kết quả này. Giờ đây, em tôi có thể hiện hình ra được, để chị em chúng tôi có thể gần nhau, để tôi chuộc lại lỗi lầm...
Cô em Xuân Hoa trước sau không nói tiếng nào, chỉ có khóc...
Cho đến lúc, bất thần cô ta thoát ra khỏi vòng tay của chị mình, và... chẳng còn thấy hình bóng nữa! Lúc này, bà Liên Hoa mới từ từ ngồi bệt xuống sàn. Tiếng khóc ngừng bặt, thân thể bà cũng không còn run rẩy như lúc nãy nữa...
Đợi một lúc lâu, vẫn không thấy động đậy, Tân bước tới gần hơn. Cất tiếng gọi:
- Mẹ!
Nhưng bà đã hoàn toàn bất động. Sắc mặt từ từ biến đổi, xanh tái, hết thần... Bà ta đã chết!
Vợ chồng Tân lặng lẽ rời ngôi biệt thự đó, mà không một lần gặp lại hai người đàn bà. Trước khi đi, Tân chỉ dặn lại ông già quản gia:
- Thỉnh thoảng, nếu chú không ngại thì có thể đến thăm ngôi nhà một lần. Ngoài ra, chú cứ để mặc cho những gì diễn ra trong đó. Cháu tin rằng hai người đàn bà từng là nạn nhân của chú Tính, sẽ thừa sức giữ cho ngôi nhà tồn tại. Cháu muốn giữ nó như một kỷ niệm...
Mai Linh ngậm ngùi ra đi, dẫu đã dứt khoát theo chồng trở về mái nhà hạnh phúc xưa, nhưng lòng cô vẫn luôn hướng về bà mẹ đã một đời đau khổ vì tình. Cô bảo với chồng:
- Dẫu sao thì đến phút cuối, dì Xuân Hoa cũng đã tha thứ cho mẹ. Mẹ em thanh thản ra đi như thế, là đã được dì Xuân Hoa chấp nhận cho về với mình rồi đó...
Về sau này, thỉnh thoảng có nghe người ta đồn đãi về ngôi nhà có ma ở ngoại ô Đà Lạt, nhưng chưa nghe ai nói các hồn ma ấy hại người bao giờ....

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Cảm ơn bạn đã nhận xét !