Chương 3: Cuộc Sống Thôn Quê
Chưa phải ngày mùa nên nhà Tấm khá nhàn hạ. Dì cũng không phải người phụ nữ đanh đá, lười nhác chỉ biết ngồi tính kế con gái riêng như trong nguyên bản. Lúc Tấm Cám gánh nước về đổ đầy lu nước trước nhà thì bà cũng đã nấu xong bữa sáng.
Phải tự nhận là không kén ăn và có định lực rất cao, Tấm mới có thể nhỏ nhẹ ngồi ăn cho xong món cháo rau không khác gì nồi cám heo. Tấm chẳng phải thục nữ gì, chỉ là khi đút được cái thìa gỗ rất vơi vào trong miệng rồi, cái lưỡi bất trị của cô vẫn không thể nào đảo cho nó trôi xuống họng.
Cám đang lớn nên được mẹ ưu ái cho ăn thêm củ khoai luộc. Chắc mẹ Cám gìn giữ ghê lắm nên thoáng nhìn, cảm giác dớt dớt làm Tấm dù đói mấy cũng không thấy thèm muốn, ganh tị gì. Cám ăn rất tự nhiên, cái vẻ đã quen khổ. Có lẽ thân thể của Tấm cũng thế, nhưng linh hồn người hiện đại đã ăn đủ các loại đồ ngon thật khó mà tiếp nhận ngay lập tức. Ăn xong, bụng Tấm còn thấy cồn cào hơn cả khi nãy, cô ra lu nước múc một gáo nước uống thật chậm cho no bụng. Xong đâu đấy là dọn dẹp đồ rồi đi chăn trâu.
Nhà quả thật có một con trâu, được chăm khéo nên cũng béo tốt. Dì có vẻ quý con trâu hơn cả, cứ ra vuốt ve nó rồi suýt xoa. Trước khi cho hai chị em đi, bà còn dặn dò mãi phải nom trâu cẩn thận không người ta dắt mất, phải nhớ dắt ra chỗ cỏ non, ngon nhất cho trâu ăn, rằng nhà chỉ có con trâu mà mất đi “tao bán hai chị em mày”. Cám đã cầm sẵn rổ, hom phòng khi trên đường thấy cái gì hay thì mót nhặt, bị mẹ dai dẳng mãi cũng phát cáu:
– Thế mẹ có để yên cho người ta đi không nào.
– Ừ đi đi, hai con ranh, nhớ cẩn thận đấy…ấy – Tiếc nuối với thêm một câu, bà còn đứng trông mãi cho đến khi cả ba khuất bóng mới quay vào nhà.
Tấm cảm giác thật lạ kỳ khi dắt theo một con vật to lớn như thế ra đường. Đường nông thôn lầy lội, lòng đường khấp khểnh những vết bánh xe, ổ gà do xói đất để lại. Tấm thật vất vả kéo giữ con trâu đi theo lối, trong khi con trâu ngu ngốc cứ níu cô lại, khi thì la liếm ít cỏ, khi thì bận đuổi những con ruồi lì lợm đeo cứng theo nó.
Cám thì thật thoải mái, tung tăng đi đằng trước, hái hoa cài lên tóc, vô tư đuổi theo chim chóc rồi bật cười khanh khách.
Đi chừng cây số, Tấm và Cám cũng dẫn được trâu ra đến bờ sông.
Tấm đoán cô đang sống tại vùng châu thổ sông Hồng. Con sông rộng lớn với bờ sông trù phú tràn đầy phù sa đỏ. Có lẽ thời tiết đang vào tầm tháng 7, 8 nên nước sông hơi cao. Cám chỉ chỗ bụi tre cho Tấm buộc trâu rồi rủ Tấm bện cỏ làm cần câu cá bống. Tấm rất thích thú với trò chơi mới này và câu rất giỏi làm Cám tròn mắt. Qua một lúc Tấm đã câu được một xâu cá bống nho nhỏ với vài loại cá tạp không biết tên. Cám vui sướng bảo tối nay có cá ăn sẽ xin mẹ nấu cơm. Nhà không phải không có gạo nhưng rất ít nên thường nấu lẫn với rau như sáng nay cho tiết kiệm. Cho nên, có thể được ăn cơm chẳng khác nào ngày hội đối với Cám. Tấm cũng vui lây, còn bảo cho làm công em hết. Cám vui quá cười híp mắt, để Tấm ngồi lại câu cá, mình thì chạy đi hái rau dại. Bờ sông ẩm ướt, các loại rau dại như rau sam, cây xương cá, đọt cây dương xỉ…mọc lan tràn. Có thể hái về nấu với cháo hoặc xào lên ăn khá ngon.
Trâu ăn no cỏ nằm ườn trên sườn đê, phơi bụng căng tròn dồn theo nhịp thở. Đôi tai và cái đuôi nhịp nhàng vẫy vẫy đuổi ruồi muỗi, thi thoảng lại phì một cái, nước mũi văng đầy ra xung quanh.
Tấm thu tất cả vào trong mắt, lòng thanh thản lạ kỳ.
Mùi nước sông, mùi cỏ, mùi đất…ùa vào tràn đầy khoang phổi. Cô hít hà say mê, thầm cảm ơn ông trời, cảm ơn chủ nhân thân thế này đã cho cô trú nhờ. Dẫu chỉ là một giấc mơ trốn chạy hiện thực hay là một sự hoán đổi vĩnh viễn đi chăng nữa, hẳn là đã cứu cô khỏi cơn ác mộng tệ hại nhất. Nếu cô không tranh giành, không mơ ước gì đến yếm đào hay hoàng tử, có phải cô sẽ sống yên ổn đến cuối đời không? Rồi có thể gặp một người nông dân chất phác, yêu anh ấy, sinh con dưỡng cái với anh ấy…
Càng nghĩ Tấm càng lạc quan, càng ru mình vào những giấc mơ êm đềm nhất. Có lẽ những lúc tỉnh giấc đêm khuya, trong cái nóng nực nghèo nàn nơi thôn quê, cô sẽ có lần bật khóc tiếc nuối. Nhưng bây giờ, cô chẳng khác nào chú thỏ hốt hoảng chỉ mong ở yên trong hang đất chờ trời yên gió lặng.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Cảm ơn bạn đã nhận xét !