Tây Du Ký Full
Tác giả: Ngô Thừa Ân
Người dịch: N/A
Tây Du Ký (phồn thể: 西遊記; giản thể: 西游记; bính âm: Xī Yóu Jì; Wade-Giles: Hsi Yu Chi), là một trong những tác phẩm kinh điển trong văn học Trung Hoa, và được xem là tác phẩm kinh điển nổi tiếng nhất cho thế hệ trẻ. Được xuất bản với tác giả giấu tên trong những năm 1590 và không có bằng chứng trực tiếp còn tồn tại để biết tác giả của nó, nhưng tác phẩm này thường được cho là của học giả Ngô Thừa Ân. Tiểu thuyết thuật lại chuyến đi đến Ấn Độ của nhà sư Huyền Trang (Đường Tam Tạng) đi lấy kinh.
Trong tiểu thuyết, Trần Huyền Trang (玄奘) được Quan Âm Bồ Tát bảo đến Tây Trúc (Ấn Độ) thỉnh kinh Phật giáo mang về Trung Quốc. Theo ông là ba đệ tử - một khỉ đá tên Tôn Ngộ Không (孫悟空), một yêu quái nửa người nửa lợn tên Trư Ngộ Năng (豬悟能) và một thủy quái tên Sa Ngộ Tĩnh (沙悟淨) - họ đều đồng ý giúp ông thỉnh kinh để chuộc tội. Con ngựa Huyền Trang cưỡi cũng là một hoàng tử của Long Vương (Bạch Long Mã).
Những chương đầu thuật lại những kì công của Tôn Ngộ Không, từ khi ra đời từ một hòn đá ở biển Hoa Đông, xưng vương ở Hoa Quả Sơn, tầm sư học đạo, đại náo thiên cung, sau đó bị Phật Tổ Như Lai bắt nhốt trong núi Ngũ Hành 500 năm. Truyện kể lại Huyền Trang trở thành một nhà sư ra sao và được hoàng đế nhà Đường gửi đi thỉnh kinh sau khi hoàng đế thoát chết.
Phần tiếp của câu chuyện kể về các hiểm nguy mà thầy trò Đường Tam Tạng phải đối đầu, trong đó nhiều yêu quái là đồ đệ của các vị Tiên, Phật. Một số yêu tinh muốn ăn thịt Huyền Trang, một số khác muốn cám dỗ họ bằng cách biến thành đàn bà đẹp. Tôn Ngộ Không phải sử dụng phép thuật và quan hệ của mình với thế giới yêu quái và Tiên, Phật để đánh bại các kẻ thù nhiều mánh khóe, như Ngưu Ma Vương hay Thiết Phiến Công chúa...
Cuối cùng khi đã đến cửa Phật, thầy trò họ lại phải đổi Bát vàng của Hoàng đế Đường Thái Tông tặng để nhận được kinh thật. Đây cũng được tính là một khổ nạn cho bốn thầy trò. Khi qua sông Thông Thiên, Tam Tạng gặp lại Lão Rùa năm xưa chở ông qua ông. Khi đang chở Tam Tạng qua giữa sông, Lão Rùa hỏi Tam Tạng rằng ông có hỏi Phật Tổ giúp lão rằng bao giờ lão tu đắc chính quả không, vì Tam Tạng quên hỏi, nên bị Lão Rùa hất cả bốn thầy trò lẫn kinh văn xuống sông. Kinh văn bị ướt, sau khi phơi khô một số bị rách. Vì vậy, kinh đến Trung thổ không được toàn vẹn.
Tác giả
NGÔ THỪA ÂN
Ngô Thừa Ân (1500 – 1582) là một nhà văn, nhà thơ Trung Quốc thời Minh. Ông là người huyện Hoài An, tỉnh Giang Tô. Trước đây tổ tiên của ông ở tỉnh An Huy, nhưng sau đó rời về Giang Tô. Ngô Thừa Ân đã sinh ra và lớn lên ở đó. Đến nay tại Giang Tô vẫn còn lưu giữ nơi ở trước đây của Ngô Thừa Ân và xây dựng rất nhiều tượng đài của ông tại đó.
Thuở nhỏ Ngô Thừa Ân rất thông minh và có nhiều tài năng. Ông giỏi về hội họa, thư pháp, thích sáng tác bài hát, thông thạo cờ vây và thích thu thập tác phẩm thư pháp, tranh vẽ của các danh nhân. Ngoài ra ông rất có hứng thú với những truyện thần tiên yêu quái. Hồi đó, Ngô Thừa Ân thường theo cha đến chùa cổ và rừng cây ở ngoại ô lân cận Hoài An chơi, cứ đến một chỗ, cha ông lại kể câu chuyện thần thoại kỳ diệu của địa phương cho ông nghe. Từ đó, sở thích đam mê với những câu chuyện kì quái, lạ lùng của ông ngày một tăng lên.
Đến sau năm 30 tuổi, ông đã thu thập rất nhiều câu chuyện ly kì, thú vị và bắt đầu có kế hoạch sáng tác.
“Tây Du Ký” được viết năm Ngô Thừa Ân 50 tuổi. Lúc này, ông đã viết mười mấy hồi đầu của cuốn “Tây Du Ký”, nhưng sau đó theo đuổi công danh nên bị gián đoạn nhiều năm, cho đến khi già, từ quan về quê hương ông mới hoàn thành nốt.
Khi ông còn sống, Tây du kí chưa được người đời biết đến, mãi tới sau khi ông mất nhiều năm, một người cháu ngoại họ Dương mới mang công bố tiểu thuyết này.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Cảm ơn bạn đã nhận xét !